Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Chính sách nhân văn, lợi ích thiết thực

(BKTO) - Năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đã chi trả khoảng 3.750 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên. Đây là minh chứng cho thấy vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) cũng được thụ hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ chính sách này.



                
   

Bác sĩ khám bệnh cho học sinh có thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

   

Giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, diện bao phủ BHYT HSSV qua các năm đều phát triển ổn định với xu hướng tăng dần. Năm học 2021-2022, chính sách BHYT đã bao phủ đến 96% HSSV cả nước với khoảng 18,8 triệu em tham gia. Nhiều trường học, địa phương đã đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT. Điều đó thể hiện nhận thức của các bậc phụ huynh về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT cho con em đã được nâng cao một cách rõ rệt.

Nhiều phụ huynh chuyển từ quan niệm chỉ tham gia BHYT lúc ốm đau sang tâm thế chủ động tham gia BHYT ngay từ khi các con đang khỏe mạnh - coi đó là cách tốt nhất để phòng ngừa, ứng phó rủi ro và góp phần chia sẻ với cộng đồng thông qua việc tham gia BHYT.

Thực tế cho thấy, Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính với chi phí lớn lên tới hàng tỷ đồng, giúp các em và gia đình giảm gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh (KCB), có thêm động lực để yên tâm điều trị bệnh.

Năm 2021, cả nước có hơn 2,4 triệu HSSV KCB BHYT thực hiện gần 4,8 triệu lượt KCB với số tiền được Quỹ BHYT chi trả là 1.981 tỷ đồng. Trong đó, KCB ngoại trú có gần 2,2 triệu HSSV/hơn 4,3 triệu lượt KCB/711 tỷ đồng chi phí KCB được Quỹ BHYT chi trả; điều trị nội trú cho trên 408 nghìn HSSV/hơn 482 nghìn lượt KCB/ trên 1.270 tỷ đồng chi phí KCB được Quỹ BHYT chi trả.

Tương tự, 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 2,2 triệu HSSV KCB BHYT với trên 3,9 triệu lượt KCB, số tiền được Quỹ BHYT chi trả gần 1.770 tỷ đồng. Trong đó, KCB ngoại trú có hơn 1,9 triệu HSSV/gần 3,5 triệu lượt KCB/trên 600 tỷ đồng chi phí KCB được Quỹ BHYT chi trả; điều trị nội trú cho gần 391 nghìn HSSV/gần 448 nghìn lượt KCB/ hơn 1.169 tỷ đồng chi phí KCB được Quỹ BHYT chi trả.

Đáng chú ý, rất nhiều trường hợp HSSV đi KCB đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn. Điển hình như bệnh nhân có mã thẻ HS48686217XXXXX (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đã KCB ngoại trú và điều trị nội trú BHYT 24 lần trong năm 2021 tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long và Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ với các chẩn đoán chính: Thông liên thất (phần màng); Nhiễm trùng huyết do candida; Hở van động mạch chủ do thấp (nặng 4/4); Hở (van) hai lá (nặng do dãn vòng van); Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp và bán cấp (áp xe gốc động mạch chủ)...

Chi phí Quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân là 1,18 tỷ đồng, trong đó tiền thuốc 475,2 triệu đồng; tiền phẫu thuật, thủ thuật 214,9 triệu đồng; tiền xét nghiệm 142,1 triệu đồng; tiền giường 74,3 triệu đồng; tiền máu 56,5 triệu đồng; tiền vật tư y tế 22,4 triệu đồng; tiền chẩn đoán hình ảnh 18,7 triệu đồng…

Phấn đấu 100% HSSV tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT

Từ những số liệu trên, có thể khẳng định, chính sách BHYT mang ý nghĩa nhân văn và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Đồng hành cùng các thế hệ HSSV nói riêng và người tham gia BHYT nói chung, trong nhiều năm qua, tấm thẻ BHYT đã được xem là “chiếc phao cứu sinh” không thể thiếu của mỗi người.

Đặc biệt, với những HSSV, những người bị bệnh hiểm nghèo có thời gian chữa trị bệnh lâu dài thì giá trị của việc tham gia BHYT càng được nhân lên gấp bội. Bởi tấm thẻ BHYT đã không chỉ giúp người bệnh có điều kiện được tiếp xúc, sử dụng với các vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cao, đắt tiền để điều trị bệnh, mà còn giúp gia đình người bệnh không mắc vào cảnh sa sút kinh tế chỉ vì lo chi phí KCB cho người thân.

Cùng với đó, trong khi Luật BHYT chưa có quy định chi tiết cho y tế dự phòng nhưng nhóm HSSV đã gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua việc chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại nhà trường. Công tác CSSKBĐ tại các trường học hiện đang vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí trích lại từ Quỹ KCB BHYT cho hoạt động y tế trường học, trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho HS đầu năm học; tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh…

Công tác CSSKBĐ tại trường học không chỉ giúp HSSV và gia đình phát hiện bệnh kịp thời, chăm sóc và tạo điều kiện điều trị các căn bệnh học đường liên quan đến thị lực, điều chỉnh tư thế viết, ngồi học chống cong vẹo cột sống… mà còn dự phòng nhiều căn bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính, nan y nguy hiểm, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai.

Tuy nhiên, theo thống kê, hiện cả nước vẫn còn khoảng 4% HSSV chưa tham gia BHYT, tập trung ở nhóm sinh viện các trường đại học và học sinh các trường cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề. Trong số này, một số HSSV và phụ huynh vẫn còn hiểu chưa thấu đáo về chính sách BHYT, cho rằng chỉ cần tham gia BHYT những lúc ốm đau…

Bước vào năm học 2022-2023 trong bối cảnh được dự báo còn tiềm ẩn nhiều dịch bệnh gây rủi ro tới sức khỏe con người, công tác chăm sóc sức khỏe cho HSSV thông qua chính sách BHYT càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Theo đó, trong năm học này, công tác BHYT HSSV tiếp tục được triển khai quyết liệt với mục tiêu đạt 100% HSSV tham gia và được thụ hưởng chính sách BHYT.

Để đạt mục tiêu này, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới các địa phương, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nhà trường, thầy cô giáo trong việc thông tin, tuyên truyền vận động HSSV, cũng như phụ huynh của các em tham gia BHYT HSSV.

“Chính sách BHYT không chỉ tạo nguồn lực quan trọng trong chăm sóc sức khỏe HSSV mà còn góp phần giáo dục nhân cách cho các em ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường” - lãnh đạo BHXH Việt Nam nhấn mạnh./.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Chính sách nhân văn, lợi ích thiết thực