Kiểm toán nhà nước kiến nghị tỉnh Lai Châu chấn chỉnh công tác quản lý tài chính

(BKTO) - Từ những sai sót được phát hiện qua kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương năm 2021, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị UBND tỉnh Lai Châu xử lý tài chính 267,38 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách hơn 2,3 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách hơn 264,59 tỷ đồng; giảm lỗ 487 triệu đồng) và xử lý khác gần 95,65 tỷ đồng. Đồng thời, địa phương phải chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công...

lc-2-.jpg
Năm 2022, KTNN đã kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Lai Châu. Ảnh minh họa: laichau.gov.vn

Thu ngân sách cao nhưng vẫn tăng thêm sau kiểm toán

Theo đánh giá của KTNN, năm 2021, tỉnh Lai Châu đã có nhiều cố gắng trong quản lý, chỉ đạo điều hành dự toán ngân sách nhà nước (NSNN).

Kết quả đáng ghi nhận là thu NSNN trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2021 đạt 2.067 tỷ đồng, bằng 140,7% so với dự toán Trung ương giao và bằng 108% so với dự toán của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Lai Châu, trong đó, hầu hết các khoản thu chủ yếu từ kinh tế đều vượt với tỷ lệ cao.

“Số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Lai Châu đảm bảo tính bền vững; công tác phân cấp quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế được thực hiện theo quy định” - KTNN đánh giá.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN của 43 doanh nghiệp và 02 đơn vị dự toán, KTNN đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp, đơn vị chưa hạch toán, kê khai đầy đủ doanh thu, chi phí và hạch toán một số khoản chi phí chưa đúng quy định.

Cùng với đó là tình trạng kê khai chưa đúng thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, kê khai thiếu thuế GTGT đầu ra, chưa loại trừ các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Vì thế, KTNN kiến nghị tăng thuế GTGT phải nộp là 166,5 triệu đồng; giảm thuế GTGT được khấu trừ số tiền 318,7 triệu đồng; tăng thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 326,8 triệu đồng; giảm số lỗ phát sinh trong năm 2021 số tiền 486,7 triệu đồng…

KTNN cũng phát hiện 14 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên nhưng chưa được UBND tỉnh cho thuê đất, thu tiền thuê đất. Thậm chí, KTNN đã chỉ ra Công ty cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lai Châu chậm nộp hồ sơ, thủ tục miễn tiền thuê hơn 3,9 triệu m2 đất nhưng vẫn được Cục Thuế tỉnh quyết định miễn tiền thuê đất cho cả thời gian đơn vị chậm nộp hồ sơ.

Hay như Tập đoàn Điện lực chậm nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền thuê hơn 5 triệu m2 đất nhưng Cục Thuế tỉnh cũng chưa thực hiện thu tiền thuê đất trong thời gian đơn vị chậm nộp hồ sơ gần 5,5 tháng.

Nhiều bất cập trong quản lý chi ngân sách

Về chi cân đối ngân sách địa phương, KTNN xác nhận tổng số chi của tỉnh Lai Châu là 9.429 tỷ đồng, đạt 129,6% so với dự toán Trung ương giao và bằng 123,5% so với dự toán của HĐND tỉnh.

Tuy nhiên, việc phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 của tỉnh chưa ưu tiên bố trí đủ vốn cho một số dự án quyết toán, dự án hoàn thành chờ quyết toán và một số dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Việc phân bổ kế hoạch vốn đầu năm còn chưa sát với khả năng giải ngân thực tế tại một số dự án, dẫn đến cuối năm phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn so với kế hoạch đã giao đầu năm.

Tỉnh đã được Trung ương bố trí vốn nhưng đơn vị chưa hạch toán hoàn ứng theo quy định số tiền xấp xỉ 46,5 tỷ đồng. Việc điều chỉnh kế hoạch vốn hầu hết lại thực hiện vào thời điểm cuối năm, cá biệt một số huyện như Than Uyên, Phong Thổ còn điều chỉnh kế hoạch vốn sau ngày 15/11/2021 - điều này chưa phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 46 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Tỉnh Lai Châu cũng chưa phân khai và giao dự toán ngay từ đầu năm cho các đơn vị 161,44 tỷ đồng; tại 04 huyện được kiểm toán là 16,72 tỷ đồng. Tỉnh còn bố trí dự phòng ngân sách huyện, thành phố chưa đảm bảo tỷ lệ 2-4% tổng chi ngân sách.

Đánh giá về công tác chi đầu tư phát triển của tỉnh, KTNN nhận thấy việc lập, thẩm định dự án đầu tư tại một số dự án chưa sát với thực tế, phải điều chỉnh. Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2021 của tỉnh còn thiếu một số nội dung, đáng chú ý là không có thông tin về nợ đọng xây dựng cơ bản.

Trong khi đó, KTNN chỉ rõ, nợ đọng xây dựng cơ bản của tỉnh đến hết 31/12/2020 là 205,93 tỷ đồng (ngân sách cấp tỉnh quản lý hơn 165,53 tỷ đồng và ngân sách cấp huyện quản lý hơn 40,39 tỷ đồng). Cụ thể, nợ 105 dự án, công trình quyết toán hơn 97,27 tỷ đồng; nợ 70 dự án, công trình hoàn thành chờ quyết toán 74,75 tỷ đồng; nợ 20 dự án, công trình chuyển tiếp 33,91 tỷ đồng.

Tuy nhiên, KTNN ghi nhận, tổng số nợ đã bố trí trả trong năm 2021 của tỉnh là gần 122,79 tỷ đồng. Nhưng do số nợ đọng phát sinh mới trong năm 2021 là gần 13,7 tỷ đồng nên tổng số nợ đọng tính đến 31/12/2021 là 96,83 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại sau khi đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 là 80,09 tỷ đồng (ngân sách cấp tỉnh gần 66,99 tỷ đồng và ngân sách cấp huyện 13,1 tỷ đồng).

Qua kiểm toán chi tiết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu, KTNN xác định thu hồi, giảm thanh toán, giảm giá trị hợp đồng tại 18 dự án của 05 chủ đầu tư số tiền 5,81 tỷ đồng.

Về chi thường xuyên, tỉnh Lai Châu đã chuyển nguồn ngân sách tỉnh 95,39 tỷ đồng, ngân sách huyện 49,48 tỷ đồng kinh phí hết nhiệm vụ chi sang năm 2022.

Theo KTNN, trong tổng kinh phí chuyển nguồn từ ngân sách tỉnh nêu trên có 77,49 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương bổ sung cho địa phương còn dư chưa phân bổ, do chưa có ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ nên địa phương phải hoàn trả ngân sách trung ương theo quy định.

Đồng thời, qua kiểm toán chi tiết tại một số huyện và kiểm toán số liệu tổng hợp tại Sở Tài chính, KTNN xác định số kinh phí hết nhiệm vụ chi, khi quyết toán chưa nộp trả ngân sách là 17,07 tỷ đồng.

Một kết quả đáng chú ý nữa được KTNN chỉ ra là nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư trên địa bàn tỉnh chuyển năm 2022 sử dụng lên tới 223.57 tỷ đồng, trong đó KTNN phát hiện tăng thêm 91,33 tỷ đồng (tăng nguồn cải cách tiền lương hơn 12,3 tỷ đồng do địa phương tổng hợp thiếu số thu điều hòa được để lại; giảm nhu cầu cải cách tiền lương hơn 79 tỷ đồng do tỉnh xác định chưa chính xác).

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, số dư tạm ứng từ ngân sách trung ương tồn từ năm 2009 đến 31/12/2021 là 4,48 tỷ đồng; tại các huyện được kiểm toán chưa thu hồi tạm ứng 26,14 tỷ đồng.

Tỉnh Lai Châu đã được Trung ương bố trí vốn nhưng chưa hạch toán hoàn ứng theo quy định ứng trước dự toán ngân sách trung ương số tiền 46,49 tỷ đồng và ngân sách tỉnh còn ứng trước dự toán cho thành phố Lai Châu 4,15 tỷ đồng kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa thu hồi.

Cùng với đó, có 36 dự án có số dư tạm ứng đã quá hạn nhưng chưa thu hồi theo quy định tổng số tiền 29,47 tỷ đồng, trong đó số tiền KTNN đã kiến nghị thu hồi từ năm 2020 trở về trước là hơn 11 tỷ đồng.

KTNN kiến nghị UBND tỉnh Lai Châu bố trí vốn xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chưa phân khai và giao dự toán cho các đơn vị ngay từ đầu năm, cũng như khắc phục những bất cập trong phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước kiến nghị tỉnh Lai Châu chấn chỉnh công tác quản lý tài chính