Năm 2020 - năm thành công nhất nhiệm kỳ về tinh thần và ý chí vươn lên

Đối nội - Ngày đăng : 14:25, 28/12/2020

(BKTO) - Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 vừa diễn ra sáng nay 28/12, tại Hà Nội.


                
   

Toàn cảnh Hội nghị tại Trụ sở Chính phủ

   

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm đánh giá, tổng kết lại 1 năm đã qua và nhìn lại cả chặng đường 5 năm cũng như đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm qua


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội. Đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép trong phòng, chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.

“Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định, năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên mọi khó khăn, thử thách. Tăng trưởng kinh tế cả nước có sự đóng góp từ tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi và không phụ thuộc nhiều vào riêng thành phần kinh tế nào. Sang năm 2021, các chỉ tiêu của năm, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6% đã được cân đối, tính toán trên nhiều yếu tố. Mặc dù tình hình còn nhiều thách thức song Chính phủ quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP thêm 0,5 điểm %.

Báo cáo tóm tắt Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm (2016-2020), dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, năm 2020, trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN và nhân dân cả nước, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Cụ thể:

Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.

         
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 bình quân 6,8%/năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91% - mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD…
Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật được hình thành khá đầy đủ, toàn diện. Các loại thị trường vận hành cơ bản thông suốt, bước đầu gắn kết với khu vực và quốc tế.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả. Vốn đầu tư công được tập trung cho những dự án cấp bách, trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa cao; giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; vốn đầu tư từ NSNN thực hiện năm 2020 đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%. Việc sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn thực chất hơn…

Tiếp tục đổi mới tư duy, hành động, thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch năm 2021

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030). Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Xung đột thương mại gia tăng, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu và những thách thức lớn đối với thương mại, đầu tư, tăng trưởng và các vấn đề xã hội.

Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính trị - xã hội ổn định, vị thế uy tín quốc tế cao. Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ tiêu cụ thể đặt ra cho năm 2021 với 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: GDP tăng khoảng 6%, CPI bình quân khoảng 4%, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng DN và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số… để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, năm 2020 có nhiều khó khăn, thách thức, bất ngờ lớn, tác động nhiều mặt tới nước ta và toàn thế giới. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật.

Chỉ đạo các giải pháp, nhiệm vụ lớn trong năm 2021 và thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn vì mục tiêu đặt ra trong năm 2021 là rất cao trong bối cảnh chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, tình hình thế giới thời gian tới sẽ diễn biến rất phức tạp, khó đoán định bởi khủng hoảng nghiêm trọng về nhiều mặt dưới tác động của đại dịch Covid-19./.

HỒNG NHUNG