Nâng cao chất lượng kiểm tra hiện trường và kiểm định chất lượng công trình trong kiểm toán đầu tư xây dựng

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:41, 28/12/2020

(BKTO) - Kiểm tra hiện trường và kiểm định chất lượng công trình là những phương pháp kiểm toán có hiệu quả để đánh giá tính tuân thủ và trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng thi công công trình và chi phí đầu tư xây dựng. Thực tế triển khai cho thấy, việc áp dụng hiệu quả các phương pháp này đòi hỏi kiểm toán viên (KTV) phải nhận diện rủi ro, xây dựng kế hoạch kiểm tra chi tiết...



Kiểm tra hiện trường và kiểm định chất lượng ngày càng được sử dụng nhiều trong các cuộc kiểm toán - Ảnh Huy Thành

Nhận định rủi ro và xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng

Kiểm tra hiện trường và kiểm định chất lượng ngày càng được sử dụng nhiều trong các cuộc kiểm toán. Từ năm 2012 trở lại đây, KTNN đã áp dụng các phương pháp kiểm toán này trong hầu hết các cuộc kiểm toán dự án đầu tư và thu được nhiều kết quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình cũng như phát hiện nhiều sai lệch trong quản lý chất lượng, chi phí. Kết quả kiểm toán công tác kiểm tra hiện trường, kiểm định chất lượng tại các cuộc kiểm toán dự án đầu tư do KTNN thực hiện đã phát hiện nhiều sai phạm, từ những hạng mục có thể quan sát trực quan (thi công không đúng thiết kế, nứt vỡ kết cấu, hằn lún vệt bánh xe…) cho đến những hạng mục cần thí nghiệm chuyên sâu (thiếu hàm lượng nhựa, chưa đủ độ chặt, chỉ tiêu cơ lý của vật liệu không phù hợp quy định…).

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để có thể áp dụng hiệu quả các phương pháp này, KTV cần nhận định rủi ro và xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng.

Cụ thể: Ngay từ giai đoạn lập kế hoạch, cần phân tích các thông tin về chất lượng dự án, công tác kiểm soát chất lượng của đơn vị được kiểm toán để từ đó đánh giá rủi ro trong công tác kiểm toán chất lượng, chi phí và lựa chọn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên các đánh giá rủi ro đó.

Trong giai đoạn khảo sát lập kế hoạch kiểm toán, KTV cần căn cứ thông tin khảo sát do đơn vị cung cấp, kết hợp thu thập thông tin liên quan đến dự án, đơn vị được kiểm toán thông qua internet, báo chí… để chọn lọc thông tin về các vấn đề: tổng quan về dự án, hệ thống kiểm soát nội bộ trong quản lý chất lượng của đơn vị được kiểm toán, các văn bản, quy chế của đơn vị trong việc quản lý kiểm soát chất lượng, chi phí. Dựa trên các thông tin thu thập, KTV đánh giá tính đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả, độ tin cậy, những hạn chế của hệ thống kiểm soát nội bộ trong quản lý chất lượng thi công. Đây là cơ sở để KTV quyết định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán cần tiến hành. Những phân tích về hệ thống kiểm soát nội bộ chất lượng thi công của đơn vị, kết hợp với đặc điểm của từng loại hình công trình kiểm toán sẽ giúp KTV nhận định các sai phạm dễ xảy ra trong công tác quản lý chất lượng thi công, từ đó xác định phương pháp kiểm tra phù hợp.

Trong giai đoạn kiểm toán, khi tiếp cận được hồ sơ kiểm toán và có cái nhìn tổng quan về công trình, KTV cần tiến hành lập kế hoạch kiểm tra chi tiết, trong đó xác định rõ nội dung kiểm tra và cách thức tiến hành. Trình tự thực hiện gồm: Một, nghiên cứu hồ sơ dự án (hồ sơ khảo sát các bước, hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, hồ sơ hoàn công, hồ sơ thanh toán). Hai, xác định các chỉ tiêu kiểm tra cụ thể để xây dựng đề cương kiểm định chất lượng theo hướng cân nhắc chỉ tiêu kiểm tra, khối lượng mẫu để giảm tối đa chi phí, nhưng số mẫu phải đủ lớn và đủ đại diện để có thể đưa ra đánh giá sơ bộ về chất lượng công trình, từ đó khuyến cáo chủ đầu tư có các hướng xử lý tiếp theo. Việc xây dựng đề cương kiểm định tổng quát sẽ là cơ sở để đoàn kiểm toán lập đề cương kiểm định cho dự án được kiểm toán. Đề cương bao gồm danh mục các hạng mục cần kiểm tra, các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần thí nghiệm, tần suất thí nghiệm cần thiết, tiêu chuẩn tham chiếu hiện hành.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ

Bên cạnh những lưu ý đối với KTV, để nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra hiện trường và kiểm định chất lượng công trình, KTNN cần chú trọng một số vấn đề sau:

Hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nội bộ Ngành về công tác kiểm tra chất lượng: Cần coi kiểm tra hiện trường là một phương pháp kiểm toán cơ bản, có tính bắt buộc áp dụng, đặc biệt đối với các công trình lớn, phức tạp; ban hành hướng dẫn cụ thể về quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong Ngành trong triển khai thực hiện kiểm định chất lượng, lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định và phê duyệt đề cương, dự toán chi phí tư vấn kiểm định; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về các đơn vị kiểm định có uy tín trong từng lĩnh vực xây dựng công trình và danh mục các dự án mà các đơn vị này tham gia thực hiện công tác thí nghiệm để làm cơ sở lựa chọn được các đơn vị kiểm định có đủ năng lực theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính khách quan, độc lập, không có các quan hệ lợi ích đối với dự án được kiểm toán.

Đề cao tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ thông qua việc chú trọng công tác khảo sát thông tin, đánh giá rủi ro kiểm toán để xác định phương pháp kiểm toán chất lượng phù hợp; nắm vững trình tự triển khai, quy trình thực hiện công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng nhằm chủ động trong công tác kiểm toán, sử dụng các kết quả kiểm tra, kiểm định làm cơ sở để định hướng các trọng tâm kiểm toán tiếp theo; tổ chức trao đổi chuyên môn nghiệp vụ về kiểm tra hiện trường, kiểm định chất lượng công trình; tăng cường chất lượng công tác giám sát quá trình kiểm định; thường xuyên cập nhật các công nghệ thi công mới, công cụ kiểm tra mới để đề xuất ứng dụng trong công tác kiểm tra.

Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của KTV trực tiếp tham gia công tác kiểm tra, kiểm định.

ThS. NGUYỄN ANH TUẤN và ThS. PHẠM THUỲ TRANG - KTNN chuyên ngành IV