Rà soát, xây dựng quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:47, 28/12/2020

(BKTO) - Thời gian qua, hoạt động kiểm toán của KTNN gặp nhiều rào cản do các đối tượng kiểm toán có hành vi cản trở, gây khó khăn cho đoàn kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) thực hiện nhiệm vụ, từ đó làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng kiểm toán cũng như hạn chế tính hiệu lực, nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN với quy định trao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán cho KTNN được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn này.



Việc ban hành văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán là có cơ sở và khả thi-Ảnh minh họa


Hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động kiểm toán vẫn phổ biến

Tại khoản 2, Điều 11 Luật KTNN năm 2015 quy định “Đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán”. Đồng thời, khoản 6, Điều 11 có quy định “Đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của KTNN hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho KTNN và KTV”. Mặc dù quy định có đề cập đến việc xử lý đối với hành vi vi phạm của các đối tượng được kiểm toán song thẩm quyền của KTNN theo đó rất hạn chế, mới dừng lại ở mức “đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý”.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Khánh Hòa, tổng hợp thông tin phản ánh từ các đơn vị kiểm toán cho thấy, trong quá trình đoàn kiểm toán, KTV thực hiện nhiệm vụ vẫn gặp phải tình trạng các đơn vị được kiểm toán chưa tích cực phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu để phục vụ hoạt động kiểm toán. Tình trạng này khiến cho các KTV không có thông tin chính xác về việc triển khai thực hiện chương trình, dự án, mà chủ yếu dựa trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua các kênh thông tin gián tiếp khác, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình kiểm toán, từ việc thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán, lập kế hoạch kiểm toán đến việc củng cố bằng chứng, tiến độ lập, phát hành và chất lượng báo cáo kiểm toán.

Tương tự, theo một lãnh đạo KTNN khu vực V, các hành vi vi phạm của đối tượng kiểm toán rất đa dạng, với nhiều mức độ khác nhau. Nghiêm trọng hơn, có đối tượng còn có hành vi cản trở, thậm chí là vu khống, đe dọa đoàn kiểm toán, KTV nhằm khiến cho KTV nản chí. “Thực trạng này xuất phát từ việc thiếu chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm, cũng như nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số đối tượng kiểm toán trong việc hợp tác với cơ quan kiểm toán, thanh tra còn chưa cao” - lãnh đạo KTNN khu vực V cho biết.

Cơ quan kiểm toán nhà nước được trao thẩm quyền xử phạt vi phạm

Nhằm khắc phục bất cập trên, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã bổ sung thẩm quyền của KTNN tại khoản 6a, Điều 11, đó là được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN theo quy định củaLuật Xử lý vi phạm hành chính.

Thực tế, Luật KTNN của một số nước đã quy định thời hạn cung cấp thông tin cho KTNN và trao quyền xử phạt cho KTNN đối với các hành vi cản trở đoàn kiểm toán, không tuân thủ quy định cung cấp thông tin cho đoàn kiểm toán, KTV. Từ góc độ nghiên cứu cũng như khảo sát thực tế tại nhiều cơ quan kiểm toán, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ ra rằng, các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán là vô cùng cần thiết và quan trọng để đảm bảo tính hiệu lực của hoạt động kiểm toán. Vì thế, Luật KTNN và nhiều luật chuyên ngành cũng trao quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán cho cơ quan KTNN.

Đơn cử, Điều 28 Luật KTNN của Hungary quy định: Khách thể kiểm toán và cán bộ phải có trách nhiệm cộng tác với KTNN trong việc cung cấp dữ liệu và tài liệu kịp thời (không quá 5 ngày làm việc kể từ khi được yêu cầu) để KTV tiếp cận cơ sở vật chất, kiểm tra hệ thống dữ liệu. Nếu vi phạm mà không có lý do chính đáng, KTNN có thể áp dụng các quy định với hành vi không tuân thủ. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 33 của Luật quy định, Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể: Khởi tố hình sự hay đưa ra hành động kỷ luật đối với người đứng đầu; đề xuất cơ quan có thẩm quyền ngừng các khoản trợ cấp đối với khách thể kiểm toán từ hệ thống tài chính công và có thể quy định khoản đặt cọc (phạt) với mức 1% thuế thu nhập cá nhân.

Tương tự, Luật KTNN Bulgaria, tại Điều 66 quy định rõ các hành vi vi phạm và mức xử phạt. Theo đó, các tuyên bố thiết lập hành vi vi phạm sẽ được đưa ra bởi các KTV và các mức hình phạt sẽ được ban hành bởi Tổng Kiểm toán Nhà nước hoặc bởi người được ủy quyền. Việc soạn thảo và ban hành các tuyên bố, kháng cáo và thi hành lệnh xử phạt sẽ tuân theo thủ tục được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, Luật KTNN Croatia quy định: Nếu cơ quan trong khu vực công không cung cấp cho KTV các tài liệu, báo cáo, thông tin cần thiết cho mục tiêu kiểm toán cũng sẽ bị phạt tiền, tùy theo mức độ vi phạm mà có các mức xử phạt khác nhau.

Trong quá trình xây dựng quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán, KTNN cũng đã tham khảo quy định tại cơ quan kiểm toán nhiều quốc gia. Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến cho rằng: Việc quy định chế tài xử phạt về cung cấp tài liệu, thông tin phục vụ kiểm toán được các nước cho là sẽ tạo áp lực để khách thể kiểm toán và bên liên quan tuân thủ quy định về cung cấp tài liệu, thông tin phục vụ kiểm toán, tạo điều kiện để KTNN có thể nhận được tài liệu, thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp cho việc thực hiện kiểm toán. Quy định cho KTNN quyền xử phạt đối với hành vi không tuân thủ trong cung cấp tài liệu thông tin phục vụ kiểm toán cũng là theo nguyên tắc về phạm vi nhiệm vụ, giúp giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm toán nhanh gọn hơn.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến thường kỳ của toàn Ngành mới đây, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Vụ Pháp chế đang rà soát các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính để xây dựng quy định áp dụng xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán cho phù hợp. Qua nghiên cứu quy định của các văn bản pháp luật liên quan, việc ban hành văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán là có cơ sở và khả thi. Vấn đề hiện nay chỉ còn mang tính kỹ thuật, với việc xây dựng và đưa vào áp dụng quy định đảm bảo đồng bộ với các văn bản pháp luật nói chung và với các văn bản của Ngành nói riêng.

NGUYỄN LỘC