Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải quan tâm đến nhu cầu nhà ở của dân

Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 27/12/2020

(BKTO) - Hiện nay, phát triển nhà ở chưa đạt mục tiêu do thiếu nguồn lực từ vốn đến đất đai. Các địa phương khi phát triển các khu công nghiệp cũng phải tính toán đến quỹ đất làm nhà cho công nhân.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bộ Xây dựng cần tiếp tục quan tâm đến nhu cầu nhà ở của người dân. Đây là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020) và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho giai đoạn 5 năm tới cũng như năm 2021 của ngành xây dựng diễn ra chiều ngày 26/12, tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của Bộ Xây dựng trong việc thực hiện Nghị quyết XII của Đảng với định hướng phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại; nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế; phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, vật liệu chất lượng cao.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng quan tâm tới việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch vì đây là nền tảng để đảm bảo tính lâu dài và bền vững.

Thủ tướng cũng lưu ý công tác điều chỉnh quy hoạch sau phê duyệt cần xem xét kỹ lưỡng, dù việc phân cấp quản lý là rất cần thiết nhưng phải tránh chồng chéo.

Hiện nay, phát triển nhà ở chưa đạt mục tiêu do thiếu nguồn lực từ vốn đến đất đai. Các địa phương phải đưa vào kế hoạch cụ thể, khi phát triển các khu công nghiệp cũng phải tính toán đến quỹ đất làm nhà ở cho công nhân. Chính phủ sẽ cố gắng thu xếp thêm nguồn vốn, chú trọng nguồn lực trong trung hạn, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp tổng thể lo nhà ở an toàn cho người dân vùng thiên tai, ngập lụt. Cùng đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với một số định hướng của Bộ Xây dựng trong giai đoạn tới như: xác định hoàn thiện thể chế là khâu then chốt để tạo đột phá; phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững; tiến tới xuất khẩu xây dựng; giữ 2 doanh nghiệp là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) làm nòng cốt cho ngành xây dựng...

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Xây dựng đã xác định đúng, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các vấn đề lớn, then chốt, căn cốt để tạo các chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá của ngành.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý nhà nước luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và Bộ đã hoàn thành khối lượng công việc lớn với nhiều đổi mới.

Đến nay, về cơ bản hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ và đồng bộ với các pháp luật liên quan; đủ sức điều chỉnh các hoạt động trong thực tiễn và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đặc biệt, Bộ đã tham mưu trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức triển khai có kết quả một số đề án quan trọng như: hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đổi mới lý luận, phương pháp quy hoạch và phát triển đô thị; phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

Đây là các đề án có tính quyết định đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của toàn xã hội và của từng công trình, dự án đầu tư xây dựng, góp phần phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoàn thiện thị trường xây dựng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế.

Năng lực của ngành xây dựng và các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, ứng dụng nhanh và làm chủ nhiều công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Về cơ bản có thể tự thiết kế, thi công các công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp trong các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, năng lượng..., đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo thiết kế được duyệt.

Đồng thời, có một số doanh nghiệp đã tham gia thị trường xây dựng ở nước ngoài; sản xuất vật liệu xây dựng phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước, gia tăng xuất khẩu, có một số thương hiệu sản phẩm có uy tín và khả năng cạnh tranh cao ở trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, ngành vẫn còn một số tồn tại như: quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương; lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, nhất là quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; phương án nguồn lực thực hiện quy hoạch chưa được tính toán cụ thể; việc điều chỉnh quy hoạch ở một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ...

Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chia sẻ là đô thị lớn nhưng giai đoạn này số công trình vi phạm xây dựng giảm mạnh tại Thủ đô. Có công trình sai phạm lớn kéo dài tận 5 năm như 8B Lê Trực cũng đã xử lý xong.

Ông cũng kiến nghị các bộ, ngành đẩy nhanh lộ trình, danh mục di dời trụ sở để đảm bảo tuân thủ quy hoạch chung Thủ đô và bàn giao đất cho thành phố thực hiện tái thiết đô thị đồng thời Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô.

Đại diện cho khối doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam kiến nghị do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp kể cả những đơn vị hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng rất khó khăn, không có việc làm. Trong khi doanh nghiệp đối mặt với khó khăn thì tình trạng nợ đọng trong xây dựng cũng báo động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Theo phản ánh của doanh nghiệp, có những khoản nợ kéo dài nhiều năm mà không cơ quan nào xử lý khiến doanh nghiệp đang lãi thành lỗ, chính xác là “lãi giả, lỗ thật." Do đó, cần có quy định về việc chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán ít nhất là 30% hoặc khi thanh toán hết cho nhà thầu rồi mới được đưa công trình vào sử dụng. Thực tế đã có nhiều chung cư, chủ đầu tư bán xong nhà cho khách hàng, thu đủ tiền, dân vào ở vẫn chưa thanh toán cho nhà thầu, ông Hiệp dẫn chứng.

Trước những bất cập này, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật ngành; trong đó trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Quy hoạch đô thị và xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quản lý cấp nước sạch.

Bên cạnh đó, quản lý đầu tư xây dựng, chất lượng công trình xây dựng tiếp tục được nâng cao; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân với các chính sách, chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; từng bước phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, sinh thái...

Giai đoạn 2021-2026, ngành xây dựng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 6-8%/năm. Ngoài ra, duy trì tỷ lệ 100% phủ kín quy hoạch chung đô thị và được lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%; diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 26-27 m2 sàn/người; diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt khoảng 26m2/người…/.

Theo vietnamplus.vn