Đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh
Kinh tế - Ngày đăng : 09:35, 30/12/2020
(BKTO) - Thành phố Hồ Chí Minh xác định đến năm 2040 sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của thành phố.
Khu vực Cát Lái – Xa lộ Hà Nội, góp phần phát triển khu đô thị mới tại Quận 2, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Nhằm hoàn thiện hệ thống kết nối vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương lân cận, phát triển đô thị thành phố theo hướng hiện đại, bền vững, tương thích với vị trí, vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2060.
Hiện nay, Thành phố đang nỗ lực thực hiện việc lập quy hoạch điều chỉnh chung cũng như cập nhật nhiều đề án quy hoạch trọng điểm thành phần đảm bảo tính đồng bộ, khả thi; trong đó có quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (Thành phố Thủ Đức) vừa được Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập.
Trình bày tờ trình của Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 tại Hội nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 3, khóa XI tổ chức ngày 30/12, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết: “Về tầm nhìn phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2060 là Thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm dịch vụ của châu Á-Thái Bình Dương, là thành phố có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.”
Thành phố Hồ Chí Minh xác định đến năm 2040 sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời phát triển không gian đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng (TOD), theo đó, định hướng phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp các chức năng khác nhau xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn.
Ông Lê Hòa Bình cho biết thành phố sẽ cân bằng giữa phát triển mở rộng đô thị và tái phát triển các khu đô thị hiện hữu. Qua đó hình thành các hạt nhân của các trung tâm: tri thức, y tế, văn hóa, giáo dục của vùng đô thị và các hạt nhân của các khu đô thị mới; củng cố cấu trúc đô thị đa cực.
Về các định hướng, chủ trương quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố-phát triển ngành dịch vụ; phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh.
Đặc biệt là định hướng phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông - là nền tảng hình thành Thành phố Thủ Đức; phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, đồng thời xây dựng 4 huyện ngoại thành phát triển thành quận.
Liên quan đến nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn nhất của quốc gia, là trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực Đông Nam Bộ và là đầu mối giao thông quan trọng của vùng, quốc gia và quốc tế, là một trong những địa bàn chiến lượng quan trọng về an ninh quốc phòng.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Nên lưu ý nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 trên quan điểm phát huy vai trò đặc biệt của Thành phố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và với cả nước.
TP Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò đầu tàu, là động lực, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vị trí quan trọng của cả nước. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác quốc tế, đặc biệt là thông qua thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa các bên trên các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển hài hòa, đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang đô thị, giữa phát triển không gian đô thị và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường…Theo báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình thực hiện phát sinh một số vướng mắc.
Cụ thể, thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai tổ chức lập quy hoạch theo dự án “Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Dự án quy hoạch này chỉ mới ở giai đoạn đầu tổ chức lập, chưa đưa ra dự báo, định hướng, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội và ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Trong khi đó, giữa các quy hoạch liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh (quy hoạch Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060) còn chưa thống nhất một số nội dung cốt lõi gồm dự báo dân số và kịch bản phát triển.
Đây là nhân tố làm cơ sở định hướng mô hình phát tiển đô thị cho giai đoạn lập quy hoạch, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế liên kết vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ, sáng tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ vướng mắc nêu trên, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố xem xét, quyết định dự báo dân số và kịch bản phát triển kinh tế xã hội thành phố, làm cơ sở hoàn tất dự thảo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo Dự thảo quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch là từng bước hoàn thiện hệ thống kết nối vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương lân cận.
Cầu Nguyễn Văn Cừ bắc qua đại lộ Đông-Tây (TP Hồ Chí Minh). (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
Phát triển đô thị Thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu, theo hướng giao thông công cộng, kết hợp giữa mở rộng đô thị và tái phát triển các khu đô thị hiện hữu, hình thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, văn hóa, giáo dục.Gìn giữ và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan Thành phố, đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng.
Về phát triển các khu vực đô thị, thành phố sẽ mở rộng đô thị khu vực phía Đông (Thành phố Thủ Đức), bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ. Khu dân dụng sẽ có khu vực trọng tậm gồm Khu đô thị tương tác cao phía Đông, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đan, Khu du lịch biển Cần Giờ.
Các cụm, khu công nghiệp sẽ được được sắp xếp theo chuyên ngành, thu hút đầu tư vào công nghiệp sạch, hàm lượng khoa học cao, không gây ô nhiễm môi trường…
Đối với quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (Thành phố Thủ Đức), vừa qua Sở Quy hoạch Kiến trúc đã trình Ủy ban Nhân dân Thành phố đề án với nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, đề án xác định dân số cư trú của Thành phố Thủ Đức sẽ đạt mức 1,5 triệu người vào năm 2030, 1,9 triệu người vào năm 2040 và 3 triệu người vào năm 2060.
Thành phố Thủ Đức sẽ có 8 khu vực trọng tâm gồm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, Khu công nghệ cao, Khu Đại học Quốc gia, Khu Tam Đa-Long Phước, Khu đô thị Trường Thọ, Khu cảng quốc tế Cát Lái và Trung tâm khởi nghiệp.
Về phân kỳ xây dựng và phát triển, thành phố Thủ Đức sẽ có 3 giai đoạn phát triển gồm giai đoạn 1 (2020-2022) là giai đoạn khởi tạo, giai đoạn 2 (2023-2030) là giai đoạn triển khai, giai đoạn 3 (2030-2040) là giai đoạn hoàn thiện.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020-2025 nhu cầu vốn nhà nước đi vay hoặc phát hành trái phiếu để đầu tư xây dựng thành phố Thủ Đức ước tính hơn 41.660 tỷ đồng.
Mục tiêu cốt lõi của thành phố Thủ Đức là trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự kiến, sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 7% GDP của cả nước, tăng cường khả năng huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tại thành phố Thủ Đức, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền…/.
Theo vietnamplus.vn