Hiệp định UKVFTA: Kỳ vọng rộng mở cho nông sản Việt sang Anh

Kinh tế - Ngày đăng : 16:45, 31/12/2020

(BKTO) - UKVFTA vừa ký kết được kỳ vọng cho con đường xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh tiếp tục mở rộng hơn với nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, càphê…



Thu hoạch thanh long. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã trở thành cú hích rất lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Với việc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa ký kết được kỳ vọng cho con đường xuất khẩu nông sản sang thị trường này tiếp tục mở rộng hơn với nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, càphê…

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định UKVFTA sẽ tạo ra cơ hội lớn thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như: thủy sản, gạo, đồ gỗ, rau quả... với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa tương đương Hiệp định EVFTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết thêm cộng với việc có thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, Vương quốc Anh là thị trường lớn đối với rau quả tại châu Âu với nhu cầu nhập khẩu đa dạng các mặt hàng như: rau thơm, trái cây các loại... Đặc điểm của thị trường Anh nói riêng và EU nói chung là tất cả rau quả từ Việt Nam đều có thể xuất khẩu nếu có đơn hàng và đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật nước nhập khẩu nên tiềm năng thị trường rất lớn.

Khi Việt Nam ký được FTA với Vương quốc Anh sẽ giúp rau quả Việt Nam duy trì được lợi thế về thuế quan.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của thị trường này, đặc biệt là ngưỡng tối đa thuốc bảo vệ thực vật rất ngặt nghèo nên khi xuất khẩu phải kiểm soát kỹ để tránh rủi ro.

Những doanh nghiệp có thế mạnh về vùng nguyên liệu, quản lý tốt về chất lượng có thể tranh thủ được cơ hội, chiếm lĩnh thị trường ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt, cho biết năm 2019, kim ngạch rau quả xuất khẩu sang thị trường Anh khoảng 11 triệu USD và năm 2020 cũng có giá trị xuất khẩu tương đương như vậy. Hiệp định UKVFTA có nội dung tương tự như Hiệp định EVFTA. Nội dung chính của Hiệp định là các thuế suất với mặt hàng rau quả sẽ giảm được 0%. Ngược lại, các sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như châu Âu.

Bên cạnh đó, Hiệp định UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những chứng chỉ về môi trường, lao động… trong sản xuất, ông Đặng Phúc Nguyên cho hay.

Ông Đặng Phúc Nguyên kỳ vọng khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn và tiến tới chấm dứt thì xuất khẩu rau quả sẽ có sự tăng trưởng tốt. Bởi hiện nay, xuất khẩu rau quả đang phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch COVID-19.

Về mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, Vương quốc Anh là một thị trường có nhu cầu nhập khẩu nhóm mặt hàng này mỗi năm.

Hoạt động xuất khẩu đồ gỗ sang Anh có nhiều cơ hội vì sản phẩm gỗ Việt Nam được thị trường Anh đón nhận nhờ giá cả có tính cạnh tranh cao, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao.

Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ tại Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc ký hợp đồng đối tác dài hạn với các nhà sản xuất tại Việt Nam như Công ty IKEA là nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất thị phần lớn nhất tại Anh.
Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Nhiều mặt hàng đồ gỗ Việt Nam có thế mạnh mà Vương quốc Anh đang nhập khẩu khá như: ván ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, đồ nội thất...

Riêng đồ nội thất, Vương quốc Anh là thị trường đứng thứ 3 nhập khẩu mặt hàng này năm 2019, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt, về thuế suất, các mặt hàng gỗ sẽ không được hưởng lợi nhiều vì đa phần các mặt hàng đã có thuế 0%. Khó khăn xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh hiện nay phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19 tại nước này. Việc xuất khẩu đang phụ thuộc vào sức mua, khả năng tiêu thụ, giá cả có khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh chi phí logistics đang tăng mạnh do thiếu container vận chuyển hàng hóa.

Về lĩnh vực thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá Anh đang là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam. Năm 2020 dù Vương quốc Anh đã ra khỏi EU, nhưng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang thị trường này vẫn được hưởng thuế theo cơ chế của Hiệp định EVFTA đến hết 2020. Hiệp định UKVFTA sẽ đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn.

Năm 2020, trong khi xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các nước thành viên EU giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19 thì riêng thị trường Anh vẫn tăng trưởng cao.

Tính đến hết quý 3/2020, xuất khẩu thủy sản sang Anh đạt gần 258 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2019. Nhiều mặt hàng có tăng trưởng khá như: tôm, cá tra, cua ghẹ, cá biển…

Dịch COVID-19 làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu từ Anh. Người tiêu dùng hướng tới những sản phẩm dễ tiêu thụ ở nhà, dễ chế biến, tiện dụng và có mức giá trung bình thấp.

Cá tra đông lạnh của Việt Nam đang là một lợi thế lớn và là điểm sáng ngành thủy sản xuất khẩu sang Anh hiện nay khi là nhà cung cấp hàng đầu có mức giá phù hợp và quy trình chế biến của nhiều doanh nghiệp Việt Nam được thị trường EU và Anh chấp nhận. Cá tra nói riêng và thủy sản Việt Nam sẽ cơ hội bứt phá hơn vào thị trường Anh.

Tuy nhiên, Hiệp định UKVFTA cũng chứa đựng nhiều thách thức. Đó là việc hàng hóa phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến để chất lượng sản phẩm chinh phục thị trường khó tính này./.

Theovietnamplus.vn