Nhiều thành tựu nổi bật trong phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đối nội - Ngày đăng : 15:25, 06/01/2021

(BKTO) - Sáng 06/01, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Y tế toàn quốc. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được và định hướng phát triển của toàn ngành Y tế trong thời gian tới.


Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Đại diện KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh tham dự Hội nghị.
                
   

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: Bộ Y tế

   

Đóng góp quan trọng vào thành công trong phòng, chống dịch Covid-19

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, song công tác y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2020, ngành y tế đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Cụ thể, số giường bệnh trên vạn dân được giao 28, số thực hiện đạt 28; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế giao 90,7%, số thực hiện đạt 90,85%; đạt 6/7 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020.

Là một trong những lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, đóng góp quan trọng vào thành công trong phòng, chống Covid-19.

Việt Nam cũng là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gene virus; là 1 trong 5 quốc gia sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể; chủ động được sinh phẩm chẩn đoán, sản xuất thành công máy thở và là một trong ít quốc gia trong ASEAN thử nghiệm vắc-xin trên người...

Với những thành quả trong công tác phòng, chống dịch gần một năm qua, Việt Nam là điểm sáng phòng chống Covid-19 thành công. Thành quả này là sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và được sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tư tưởng, chỉ đạo xuyên suốt thời gian phòng chống dịch - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành y tế đã chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là dịch bệnh bạch hầu ở khu vực Tây Nguyên, bệnh Whitmore ở miền Trung, bệnh sốt mò ở một số tỉnh miền Bắc, không để xảy ra "dịch chồng dịch". Dịch bệnh HIV/AIDS tiếp tục được kiểm soát, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp giảm cả 3 tiêu chí: Số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong liên quan đến AIDS. Việt Nam cùng với Anh, Đức, Thụy Sỹ là bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh

Cùng với thành công trong phòng, chống dịch Covid-19, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tiếp tục được cải thiện. Ngành y tế đã ứng dụng thành công các kỹ thuật mới, tiên tiến trong chăm sóc, điều trị bệnh như: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ca đại phẫu tách hai bé gái dính liền phần bụng chậu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng trong 13 ngày. Đề án khám, chữa bệnh từ xa được triển khai quyết liệt, đến nay đã kết nối được khoảng 1.500 cơ sở y tế trên cả nước.

Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 đã đạt được 56/75 (74,67%) mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, đóng góp quan trọng vào thực hiện thành công các mục tiêu y tế, dân số quốc gia. Trong đó, duy trì 14 năm liên tiếp đạt mức sinh thay thế, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tuổi thọ trung bình đạt 73,7 tuổi, tăng 0,1 tuổi so với năm 2019. Tầm vóc người dân được cải thiện, chiều cao trung bình của thanh niên: nam đạt 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2009; nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm so với năm 2009.
                
   

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Bộ Y tế

   

Năng lực mạng lưới y tế cơ sở được nâng lên do được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ y tế tuyến trên; phát huy vai trò trong phòng, chống dịch bệnh: giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch, chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng.

Hoạt động của y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình được đổi mới, trong đó, ngành y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) quản lý tổng thể hoạt động trạm y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử, tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe là 23,9% năm 2019, ước đạt 45,6% năm 2020. Tỷ lệ trạm y tế xã triển khai dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm tăng (đạt 73,7% năm 2019, ước đạt 80,6% năm 2020).

Đặc biệt, ngành y tế đã tăng cường ứng dụng CNTT trong dự phòng, khám, chữa bệnh, xếp thứ 4 trong số các Bộ, ngành về mức độ ứng dụng CNTT và là một trong 2 Bộ có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%. Trong năm, ngành đã quyết tâm xây dựng và vận hành Cổng Công khai y tế, thực hiện công khai minh bạch với hơn 60.000 dược phẩm, 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, gần 100.000 kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ trên Cổng.

Hệ thống cung ứng thuốc phủ rộng khắp toàn quốc, mật độ trung bình đạt khoảng 1.600 người dân có một cơ sở bán lẻ thuốc. Các nhà máy sản xuất vắc-xin trong nước đã cung ứng được 10 trong tổng số 11 vắc-xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Năm 2021, kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, ngành y tế sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm; tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân hướng tới sự hài lòng của người bệnh; triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế; ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường công tác quản lý dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế để nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của y tế Việt Nam.

Đ. KHOA