Cần tăng tính minh bạch trong ngành khai khoáng
Đầu tư - Ngày đăng : 07:15, 30/03/2017
(BKTO) - Là một trong những ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng, đóng góp lớn cho ngân sách, tuy nhiên, công nghiệp khai khoáng của Việt Nam lại đang đối mặt với không ít thách thức cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một trong số đó là mức độ minh bạch, đặc biệt trong cấp phép và quản lý thu thuế phí.
Nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản chưa tương xứng với quy mô khai thác.Ảnh: TS
Năm 2013, Viện Quản trị Tài nguyên thiên nhiên đã đánh giá, Việt Nam chỉ đứng thứ 41/58 quốc gia và xếp hạng yếu trong các đánh giá về mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng.
Theo nhiều chuyên gia, điểm yếu về mức độ minh bạch trong ngành khai khoáng của Việt Nam không phải ở hệ thống văn bản. Bởi lẽ, khung chính sách và pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang từng bước hoàn thiện. Nhiều quy định hướng tới minh bạch, công khai thông tin cũng đã được xem xét lồng ghép vào các văn bản pháp luật mới. Thực trạng này của ngành khai khoáng xảy ra do khoảng cách lớn giữa chủ trương, quy định trên giấy với công tác thi hành.
Luật Khoáng sản đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch nhưng thực tế triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng. Đơn cử như liên quan đến cấp phép, Luật quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không quy định rõ các tiêu chí lựa chọn DN qua đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là DN có đủ năng lực thực hiện.
Ngoài ra, quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép từ thông tin DN đăng ký cấp phép cho đến DN được lựa chọn cấp phép. Nhiều DN đã phải trả nhiều chi phí không chính thức để có được giấy phép khai thác. Ngay cả khi các quy định đấu giá được kỳ vọng sẽ được áp dụng đại trà để giảm thiểu cơ chế “xin - cho”, nhưng cho tới nay, số trường hợp thực hiện đấu giá vẫn là con số khá khiêm tốn.
Ông Nguyễn Tiến Chỉnh - Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam - cho biết: Thực trạng đấu giá quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương tính đến tháng 6/2016 có 7/52 tỉnh có kế hoạch triển khai đấu giá, với gần 70 điểm và mỏ với tổng giá trị khoảng 39 tỷ đồng, số liệu các mỏ đấu giá thành công chưa thấy cập nhật. Ở cấp Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt kế hoạch đấu giá nhưng chưa triển khai được.
Thất thu ngân sáchtừ khai khoáng
Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản được đánh giá là chưa tương xứng với quy mô khai thác. Số thu thuế đối với các tài nguyên ngoài dầu khí chiếm tỷ trọng rất thấp. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu Thuế Tài nguyên ngoài dầu khí, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013 chỉ đạt 0,9 - 1,1% tổng thu NSNN.
Thậm chí, nhiều địa phương phản ánh, số thu Thuế Tài nguyên thậm chí không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản. Cách thức quản lý thu thuế, phí dựa trên giá bán và sản lượng được khai báo bởi DN cũng đưa ra những vấn đề nhiều tranh cãi. Trong khi đó, khai khoáng là một trong những ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng đóng góp lớn cho ngân sách và GDP.
TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cũng như nhiều chuyên gia khác đều cho rằng: Thất thu ngân sách từ khai khoáng là rất lớn. Kẽ hở một phần là do những nguồn thu như Thuế Tài nguyên, Phí Bảo vệ môi trường được dựa trên số liệu tự khai của các DN. Một nguyên nhân khác là do tình trạng khai thác lậu, xuất khẩu trái phép tài nguyên. TS. Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh: Việc đánh giá trữ lượng khoáng sản đang có nhiều vấn đề. Từ việc đánh giá trữ lượng ít hơn so với thực tế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, thiếu minh bạch trong khai khoáng.
Đồng quan điểm, TS. Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam - cũng cảnh báo: Phí cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến dự báo trữ lượng khoáng sản. Trữ lượng càng lớn thì DN có nghĩa vụ nộp phí càng nhiều. Một vấn đề tiêu cực nảy sinh, là DN công bố trữ lượng khoáng sản thấp hơn so với thực tế để “né” phí quyền khai thác. Từ đây, một loạt tiêu cực khác có thể nảy sinh, khiến việc minh bạch trong khai thác khoáng sản không được công bố, gây thất thu cho Nhà nước...
HOÀNG LONG