Gỗ Việt xuất siêu “khủng” đạt 10,5 tỷ USD năm 2020

Kinh tế - Ngày đăng : 10:17, 07/01/2021

(BKTO) - Năm 2020, trị giá hàng lâm sản xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 13,17 tỷ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm, tăng 16,4% so với năm 2019. Trị giá hàng nhập khẩu toàn ngành đạt 2,58 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019. Xuất siêu toàn ngành ước cả năm đạt 10,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2019.



Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) chiều 6/1, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết năm 2020, tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ gỗ và lâm sản.

Tổng cục Lâm nghiệp thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; theo dõi và phối hợp với doanh nghiệp thực hiện xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế…

Năm 2021, toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD; tổng sản lượng khai thác gỗ 32 triệu m3; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.800 tỷ đồng…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm 2020 toàn ngành lâm nghiệp đạt kết quả tương đối toàn diện ở mức cao trên nhiều khía cạnh.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp đặc biệt đi sâu phân tích vào những “nút thắt” toàn ngành cần chú ý giải quyết không chỉ trong năm 2021 mà cả trong thời gian dài hơi hơn.

Trước hết, Việt Nam phấn khởi tăng hệ số che phủ rừng lên mức 42% là hệ số cao nhưng nhìn sâu lại vẫn thấy là 3 khu vực trọng điểm hoàn toàn chưa yên tâm là Tây Bắc, Tây Nguyên và rừng ven biển.

“Tổng diện tích rừng là 16,6 triệu ha, độ che phủ nhìn chung 42% nhưng 3 khu vực trên liên quan tới các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, sự phát triển bền vững… thì độ che phủ của Tây Bắc hiện mới là 46%, Tây Nguyên là 45%, rừng ven biển thì thủng lớn, khả năng phục hồi chậm. Chiến lược, quy hoạch, các đề án năm 2021 phải tập trung cao độ chỗ này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chính sách khoanh nuôi bảo vệ hỗ trợ phát triển rừng rất nhiều nhưng đến nay chưa thỏa đáng, chưa đủ sức tích cực để kích thích đối tượng tham gia phục hồi phát triển rừng kể cả chủ thể là hộ cá nhân và chủ thể là đơn vị.

Đáng chú ý, công nghiệp chế biến gỗ và đồ gỗ có bước tiến nhưng sản phẩm thô là nhiều. Doanh nghiệp chế tác đồ gỗ nội thất sâu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị cao chưa phổ quát. Đăc biệt, doanh nghiệp công nghiệp chế biến gỗ phát triển mất cân đối vùng miền, hiện tại chủ yếu nằm ở TP HCM…

“Năm 2021 đến 2025 và thời gian xa hơn phải tập trung để đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển đúng theo tiềm năng, mỗi năm tăng trưởng với tốc độ trên 10%”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Haiquanonline