Bộ Kế hoạch Đầu tư: Mục tiêu GDP 6,5% cần có quyết tâm chính trị cao

Đối nội - Ngày đăng : 22:00, 05/01/2021

(BKTO) - Năm 2021, Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát 4%, tuy nhiên Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, tức là lên mức 6,5%.



Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương - Nguồn: Vietnamplus

Đi qua năm 2020 đầy biến động và thách thức, Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội. Kết quả,kinh tế vĩ môđã duy trì ổn định,lạm phátđược kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Nhân dịp bước sang năm mới 2021, Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương về triển vọng kinh tế và những nhiệm vụ tiếp theo của nhiệm kỳ mới 2021-2015.

- Thưa Thứ trưởng, năm 2020 đã khép lại với những kết quả khả quan trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức chưa từng có, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19, ông có thể chia sẻ về những sức ép cũng như những yếu tố để có thể hoá giải được các thách thức và đi đến thắng lợi trên?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương:Năm 2020, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 với tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu. Đại dịch đã đẩy kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kế từ Đại suy thoái 1929-1933, gây ra khủng hoảng nghiêm trọng về việc làm, thất nghiệp, an sinh xã hội và tác động đến trật tự kinh tế, chính trị, xã hội.

Thêm vào đó, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, đối tác lớn và xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại liên tục gia tăng. Bối cảnh đó đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế đất nước trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Kết quả, tốc độ tăng trưởng (GDP) cả năm 2020 ước đạt 2,91% đưa Việt Nam trở thành nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất đã giảm về mức thấp đồng thời tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định và thanh khoản được bảo đảm, dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay, chỉ số giá tiêu dùng cả năm bình quân tăng 3,23% (dưới mục tiêu 4%). Ngoài ra, các nhiệm vụ chi cơ bản được bảo đảm, nhất là chi cho các nhiệm vụ chính trị quan trọng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…

Để có được kết quả trên, thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, nhất là trong ứng phó với đại dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ.

Điều này cũng cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm tính chủ động, quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, ngành, cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện. Kết quả trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu kép: “Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.”

- Một trong những vấn đề nóng được quan tâm trong năm qua là việc giải ngân các dự án đầu tư công. Vậy xin Thứ trưởng cho biết cụ thể về vấn đề này cũng như các giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách trong thời gian tới?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương:Năm 2020, đại dịch tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế, cụ thể sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đặc biệt là dịch vụ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến nguồn vốn trong các khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đều sụt giảm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chú trọng, tập trung đẩy nhanh vốn đầu tư công, nhằm tạo tác động lan tỏa kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Chưa bao giờ có một công tác chỉ đạo về giải ngân quyết liệt như năm nay (kể từ năm 2016 trở lại đây) với sự vào cuộc của Chính phủ từ các công tác chỉ đạo, điều hành và những phiên họp trực tuyến với các địa phương. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 91,1% kế hoạch năm 2020 và tăng 34,5% so với năm 2019, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Với sự lan tỏa, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội đã được hưởng lợi từ việc tăng vốn đầu tư công cho nền kinh tế, như ngành xây dựng (cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, dự án kinh tế…), các ngành công nghiệp sản xuất phục vụ xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch ngói, gốm sứ xây dựng), điều này giúp khối doanh nghiệp nói chung và người lao động có thêm thu nhập để đầu tư và tái sản xuất.

Sang năm 2021, Luật Đầu tư công mới quy định bắt buộc các bộ, ngành và địa phương phải giải ngân hết trong năm và yếu tố xử lý việc giải ngân vốn đầu tư công thấp là vấn đề thị trường, cụ thể đánh thẳng vào “túi tiền.

Một địa phương, một bộ-ngành giải ngân thấp đồng nghĩa với việc cuối năm số tiền không giải ngân được sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn và đó là điều thiệt thòi của địa phương, bộ, ngành đó. Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công cũng thể hiện rõ điều này, vì vậy công tác xây dựng kế hoạch đầu tư của địa phương, bộ, ngành sẽ phải chính xác hơn.

Như trước đây, khi làm kế hoạch vốn đầu tư công ai cũng muốn được càng nhiều tiền càng tốt, nhưng câu chuyện bây giờ “nhiều" chưa chắc đã tốt. Bởi, địa phương, bộ, ngành không giải ngân được thì hệ lụy là rất lớn, bên cạnh sự giảm trừ đầu tư công trung hạn còn bị khiển trách. Do đó, các cơ quan tham mưu của bộ, ngành, địa phương sẽ phải hết thận trọng tính toán sao cho khớp nhất, rút ngắn khoảng cách thừa-thiếu giữa kế hoạch và thực tế, nhằm thúc đẩy đầu tư công hiệu quả hơn.

- Năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những kiến nghị và định hướng chiến lược gì cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) tới?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương:Việt Nam bước vào năm 2021 - khởi đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, vừa phải hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021, vừa làm tốt công tác chuẩn bị và sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn.

Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 có khả năng chậm hơn giai đoạn trước. Đặc biệt, đại dịchCOVID-19vẫn đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới và làm đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thay thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới.

Trong nước, bên cạnh những mặt đạt được, trong giai đoạn tới nền kinh tế cũng sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro tiềm ẩn, như nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế. Bên cạnh đó, độ mở của nền kinh tế lớn thì các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới cũng nhanh và mạnh hơn. Trong khi, những khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế vẫn chậm được khắc phục đồng thời năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn hạn chế và các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực... để đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp so với yêu cầu.

Năm 2021, Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, những chỉ tiêu này xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực. Những điểm thuận lợi có thể nhận thấy trên ba trụ cột sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư. Cụ thể, khu vực sản xuất kinh doanh cho thấy rõ đà phục hồi trong lĩnh vực công nghiệp đã tăng trở lại trên 10 %. Lĩnh vực nông nghiệp đi đúng hướng, mặc về sản lượng giảm so với năm ngoái song giá trị tăng lên. Năm nay, lĩnh vực dịch vụ vẫn còn rất khó khăn, song các mảng dịch vụ công nghệ số, tài chính, ngân hàng sẽ có sự tăng trưởng lớn, đây sẽ là những cái yếu tố hỗ trợ hồi phục.

Bên cạnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hànhGDPnăm 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, tức là lên mức 6,5% và điều này cần có một quyết tâm chính trị cao.

Về trung hạn, kế hoạch kinh tế đề ra GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%, theo đó GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700USD- 5.000USD. Bên cạnh đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP sẽ trên 25% đồng thời kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Vietnamplus