Tầm nhìn mới của ngành lúa gạo
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:00, 23/03/2017
(BKTO) - "Ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện. Ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới - một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa”. Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức mới đây.
Có lợi thế nhưng nông dân vẫn nghèo
ĐBSCL là một trong số ít khu vực trên thế giới có lợi thế đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo. Tận dụng những lợi thế này, trong những năm qua, ĐBSCL đã vươn lên trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước. Chỉ tính từ năm 1995 đến năm 2015, diện tích gieo trồng lúa tăng từ 3,2 triệu ha lên 4,3 triệu ha; năng suất tăng từ 40,2 tạ/ha lên 59,6 tạ/ha; sản lượng lúa tăng từ 12,8 triệu tấn lên 25,7 triệu tấn, chiếm xấp xỉ 60% sản lượng cả nước. ĐBSCL cũng cung cấp đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Có thời điểm, xuất khẩu gạo mang về 3,67 tỷ USD cho nền kinh tế quốc dân.
Thủ tướng tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo.Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Với lợi thế vượt trội và những thành quả to lớn đó, người nông dân ĐBSCL có điều kiện hơn người nông dân các vùng khác trên cả nước để làm giàu từ cây lúa. Nhưng thực tế lại không được như vậy, dù gạo của họ đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chính Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã phải khẳng định: Nông dân sản xuất lúa của ĐBSCL vẫn nghèo do thu nhập từ lúa còn thấp, người sản xuất vẫn hưởng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Ở ĐBSCL, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa chỉ thu được lợi nhuận 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan và 1,5 lần so với Indonesia, Philippines.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Danh cho rằng: Hiệu quả chuỗi giá trị ngành gạo còn thấp do chất lượng gạo của Việt Nam còn thấp, tỷ lệ thất thoát cao (tới 13,7%, trong khi Thái Lan và Ấn Độ chỉ khoảng 6%). Đặc biệt, việc phân phối lợi nhuận, chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác kinh doanh khác còn nhiều bất cập; công nghiệp chế biến sâu chưa được chú ý nên giá trị gia tăng thấp. Sản xuất thiếu tính bền vững, hiệu quả sử dụng vật tư nguyên liệu đầu vào chưa cao và chưa kiểm soát được tác động tiêu cực của môi trường…
Cần một tư duy kiến tạotoàn diện
Mặc dù còn những hạn chế lớn, song sản xuất lúa vẫn là thế mạnh của Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới dự báo sẽ tăng 70% so với hiện nay vào năm 2050, trong đó một nửa dân số coi gạo là lương thực chính. Bởi vậy, để người nông dân “mặn mà” hơn với cây lúa, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng phải đảm bảo lợi nhuận từ 30% trở lên cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa; tăng tỷ lệ diện tích sử dụng giống có xác nhận đạt 75% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030, đồng thời phải giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8%…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần sớm điều chỉnh quy mô, mở rộng hạn điền, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, liên kết giữa DN với hộ nông dân, thuê lại đất lâu dài là những hướng đi phù hợp. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống thủy lợi một cách hiện đại, hướng đến đa mục tiêu và áp dụng cơ chế thị trường về giá nước phục vụ sản xuất để người dùng tiết kiệm, sử dụng nước hiệu quả hơn. Tổ chức sản xuất quy mô lớn, hình thành các vùng chuyên canh lúa tập trung cho từng mục đích, từng thị trường, có các cụm công nghiệp dịch vụ chế biến sâu, đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải sớm có những cải cách mạnh mẽ về thể chế, tháo gỡ những rào cản cho sản xuất lúa gạo. Theo đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét sửa Điều 109 Luật Đất đai, trước hết là có một số chính sách để mở rộng hạn điền.
Lưu ý, phải quan tâm việc bồi thường thỏa đáng cho người dân khi thu hồi đất trên tinh thần khuyến khích mạnh mẽ hơn cánh đồng mẫu lớn; mở rộng, khuyến khích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp; mở rộng quyền sử dụng đất và bảo hộ quyền sử dụng đất cho các DN tư nhân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa, bổ sung một số chính sách quan trọng liên quan đến sản xuất lúa. Trước hết là sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo với tinh thần là không đưa vào nhiều quy định phức tạp; không quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo; không nên trao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhiều quyền không nên có như: quy định giá sàn, phân phối hạn ngạch cứng. Thứ hai là Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, cần bỏ một số khoản không cần thiết. Thứ ba là Quyết định 1898/QĐ-BNN-TT của Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 có nhiều mục tiêu chưa phù hợp với tầm nhìn phát triển lúa gạo Việt Nam. Thứ tư là sửa Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đầu tư cho xay xát, chế biến, kho bãi phải được vay dài hạn hoặc trung hạn, những DN đã vay ngắn hạn thì cần được tái cơ cấu lại nguồn vay để đầu tư lâu dài…
“Tinh thần là chúng ta sẽ sửa đổi thể chế mạnh mẽ hơn, bãi bỏ những việc không cần thiết. Tất cả phải dựa vào dân, vào khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp, nông thôn chứ không phải dựa vào Nhà nước” - Thủ tướng nhấn mạnh.
THANH TÙNG