Vĩnh Phúc phát triển sự nghiệp y tế và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe nhân dân

Kinh tế - Ngày đăng : 09:15, 19/11/2020

(BKTO) - Năm 2020 đối mặt nhiều khó khăn thách thức, nhưng ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã cố gắng vượt qua, thực hiện tốt công tác chuyên môn khám chữa bệnh, nâng cao sức khỏe người dân, nỗ lực hoàn thành nhiều mục tiêu quốc gia về y tế.



Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện tại xã Sơn Lôi - huyện Bình Xuyên

Bước vào năm 2020, ngành y tế đối mặt với một thử thách cao độ, dịch bệnh Covid-19 diễn biến bất thường, Vĩnh Phúc trở thành địa phương “xung kích” trong mặt trận đấu tranh đẩy lùi dịch bệnh. Toàn hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, “tâm điểm” Sơn Lôi được cách ly, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ngoài cộng đồng.

Ngay khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện những ca bệnh Covid-19 đầu tiên, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt với phương châm “chống dịch như chống giặc"; ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, huy động mọi nguồn lực tập trung phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp. Tỉnh đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ; cho dừng tất cả các hoạt động chưa cấp thiết của các cơ quan nhà nước để tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh; thành lập Bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường; trưng dụng Trường Quân sự tỉnh làm khu giám sát tập trung các đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh; sử dụng Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên là cơ sở khám, chữa bệnh để điều trị một số trường hợp dương tính; kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều tra dịch tễ; tổ chức cách ly các trường hợp đến hoặc đi qua các quốc gia, vùng lãnh thổ có xuất hiện dịch bệnh; ban hành Nghị quyết hỗ trợ người thực hiện cách ly tại cơ sở điều trị, cơ sở cách ly tập trung và người thường trú, tạm trú tại địa phương có dịch bị kiểm soát ra vào theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện khoanh vùng, cách ly tại khu vực có dịch trên địa bàn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên...

Theo báo cáo của Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh có 12/12 trường hợp được xét nghiệm dương tính với vi rút Corona đều được điều trị khỏi và ra viện. Từ ngày 04/4/2020 đến nay toàn tỉnh không ghi nhận ca nhiễm mới và hiện không còn trường hợp nào đang phải cách ly tại tỉnh. Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng, là nguồn động viên khích lệ rất lớn, để người dân cả nước dõi theo chung sức đồng lòng trong “cuộc chiến” đẩy lùi dịch bệnh.

Không chỉ với Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn Vĩnh Phúc cơ bản đều được kiểm soát tốt

Năm 2020, công tác phòng bệnh được quan tâm, tình hình các bệnh truyền nhiễm giảm so với cùng kỳ năm 2019, rải rác ở 9 huyện, thành phố có mắc một số bệnh truyền nhiễm như cúm, tiêu chảy, thủy đậu, tay - chân - miệng, sởi, sốt xuất huyết, quai bị, ho gà... Các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tốt, trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng có kế hoạch tiêm chủng, tiêm bù để đảm bảo các trẻ được tiêm đủ mũi tiêm theo quy định đối với trẻ không được tiêm chủng đúng kỳ do thực hiện giãn cách xã hội, năm 2020 số trẻ được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin là 16.332 trẻ, bằng 76% KH giao, tăng14% so với cùng kỳ năm 2019. Chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản và mục tiêu phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tiếp tục được triển khai ở tại các cơ sở y tế trên địa bàn, kết quả tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi là 8,2% (giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước), tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi là 10,5% (giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước). Các chương trình phòng chống bệnh phong, lao, sốt rét, sốt xuất huyết, đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn, bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng, y tế học đường… thực hiện hiệu quả.

Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân được thực hiện tốt. Việc thực hiện Quy chế bệnh viện, Quy trình kỹ thuật chuyên môn được thực hiện nghiêm túc từ khâu tiếp đón người bệnh, làm hồ sơ bệnh án, chẩn đoán, theo dõi, tiên lượng và điều trị. Cán bộ trong các bệnh viện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tình chăm sóc, phục vụ người bệnh, thể hiện đạo đức nghề nghiệp và lương tâm người Thầy thuốc, đã được người bệnh và gia đình người bệnh hài lòng. Ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị tiếp tục được triển khai như: hồi sức tích cực, chẩn đoán hình ảnh, ngoại khoa, phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên, các chỉ tiêu chuyên môn khám chữa bệnh giảm so với cùng kỳ năm 2019 do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, số bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế đều giảm. Thuốc và vật tư y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng phục vụ công tác khám, chữa bệnh; việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả; công tác giám định chất lượng thuốc được thực hiện thường xuyên ở tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém phẩm chất lưu hành trên địa bàn tỉnh.

Về quản lý hành nghề y, dược: 100% hồ sơ được cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được giải quyết đảm bảo đúng quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Ngành Y tế đã thường xuyên tổ chức phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y, dược tư nhân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về hành nghề y, dược.

Năm 2020, có 6 đơn vị y tế công lập thực hiện liên doanh, liên kết và thuê thiết bị: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường, Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên, Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc, Trung tâm Y tế huyện Tam Dương. Tổng số có 50 thiết bị với 6 loại trang thiết bị y tế thực hiện xã hội hóa, tương đương với tổng giá trị máy là 51,432 tỷ đồng, trang thiết bị xã hội hóa chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, thận nhân tạo. 100% đơn vị y tế thực hiện giá dịch vụ y tế theo đúng quy định của UBND tỉnh. Hoạt động liên doanh, liên kết đã góp phần bổ sung trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh của các đơn vị y tế. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng hiện đại, giảm thời gian chờ đợi, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh.

Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện, 100% trạm y tế xã có bác sỹ, có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đạt 92,5%. Tiến độ triển khai các công trình đầu tư phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân nhất là các công trình trọng điểm như Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện sản nhi được tập trung thực hiện.

Về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Ngành Y tế đã phối hợp liên ngành trong công tác thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, đặc biệt công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu vực cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Năm 2020 đã tiến hành kiểm tra 4.488 lượt/4.089 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt tiêu chuẩn đạt tỷ lệ 83,4%, cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm với các lỗi vi phạm chủ yếu là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứng từ chứng minh nguồn gốc không đầy đủ, rõ ràng, không đăng ký đánh giá xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm, vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép… Trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộc độc thực phẩm nhiều người mắc nào, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm./.

PV