Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng công tác tổ chức, xây dựng Đảng
Kinh tế - Ngày đăng : 09:10, 12/12/2020
(BKTO) - Trong những năm qua, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc và các cấp uỷ đảng đã quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Nhiều nghị quyết, đề án về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được triển khai thực hiện với những giải pháp mang tính đột phá đã tạo chuyển biến tích cực từ cơ sở.
Đảng bộ huyện Sông Lô nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng
Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/6/2013 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên giai đoạn 2013-2020 với những mục tiêu cụ thể và giải pháp đột phá đã tạo những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng TCCSĐ, đảng viên. Nghị quyết số 05-NQ/TU đề ra mục tiêu tập trung xây dựng, củng cố, phát triển, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, làm cho các tổ chức cơ sở đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trước hết là bí thư cấp uỷ, cán bộ chủ chốt ở cơ sở thực sự tiên phong, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, có phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 05/5/2014 về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên giai đoạn 2014-2020; Kết luận số 13-CT/TU ngày 19/6/2017 về thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chi bộ đảng trong giai đoạn hiện nay và nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng TCCSĐ, đảng viên. Theo đó, những giải pháp mang tính đột phá sau đã được triển khai thực hiện:
Tiếp tục xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh về tổ chức, thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.
Chi bộ VKSND thành phố Vĩnh Yên tổ chức lễ kết kết nạp Đảng viên mới
Chú trọng tạo nguồn, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, nhất là trong các loại hình doanh nghiệp, khu vực nông thôn. Thực hiện tốt các quy định, nguyên tắc của Đảng về quản lý các tổ chức Đảng cấp dưới; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên. Kiên quyết rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Chủ động phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nhằm tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân. Tạo môi trường, điều kiện để khuyến khích, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi cán bộ phù hợp với thực tiễn của tỉnh, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Thực hiện hiệu quả chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, sử dụng chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực. Công tâm, khách quan trong đánh giá, sử dụng cán bộ; kiên quyết không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử những cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị không vững vàng, thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, thiếu gắn bó với Nhân dân, kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.
Thực hiện tốt các quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ. Thực hiện từng bước việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số chức danh khi đủ điều kiện, tạo môi trường, động cơ, khát vọng cho cán bộ, đảng viên phấn đấu. Tiếp tục thực hiện mô hình một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã không phải người địa phương.
Mỗi cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải có tư duy, nhận thức đúng đắn về vị trí quan trọng, không “coi nhẹ”, “buông lỏng” công tác kiểm tra, giám sát. Các cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp phải quyết liệt, chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của đảng với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; với quan điểm “giám sát phải mở rộng”; “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, xem xét, xử lý kỷ luật “công minh, chính xác, kịp thời”.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, đồng bộ đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình, nhằm thực hiện tốt các yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó là: Kiểm tra, giám sát để làm tốt việc phòng ngừa vi phạm và kịp thời phát hiện, phát huy nhân tố mới, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm từ khi mới manh nha; xử lý kỷ luật phải đảm bảo tính nghiêm minh, chính xác, kịp thời để răn đe và giáo dục. Thực hiện nghiêm nguyên tắc các tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng và chịu sự giám sát của Nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, quy chế làm việc, các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết và quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tập trung kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm, như: đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính… kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý ở các cấp về năng lực lãnh đạo, quản lý, thực hiện quy chế; về phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách và tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.
Phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra và các cơ quan quản lý nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lặp; phát huy vai trò của người đứng đầu Ủy ban kiểm tra các cấp gắn với vai trò của cơ quan tham mưu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng./.
PV