Tình hình tội phạm, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp

Đối nội - Ngày đăng : 14:05, 07/01/2021

(BKTO) - Tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp do buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một số cán bộ tha hóa, biến chất.



Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã diễn ra sáng 7/1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì Hội nghị.

Có sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá công tác phòng, chống tội phạm cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,8% (vượt chỉ tiêu kế hoạch 1,8%).

Nhiều loại tội phạm giảm như trộm cắp tài sản (giảm 9,86%), cướp tài sản (giảm 9,99%). Đặc biệt, các lực lượng đã làm tốt công tác điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công; đã đưa ra xét xử khách quan, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân.

Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 185 nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 25 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019), khởi tố 2.543 vụ án, với hơn 3.502 đối tượng.

Đặc biệt, trong năm 2020 các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất kinh doanh, các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và các địa phương, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó có sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một số cán bộ, công chức tha hóa, biến chất.

Đánh đúng, đánh trúng các đường dây, tổ chức tội phạm

Báo cáo tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban Chỉ đạo 138/CP cho biết, năm 2020, xảy ra hơn 42.900 vụ vi phạm trật tự xã hội, giảm 6,8% so với năm 2019. Tội phạm tuy giảm về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, nổi lên là tội phạm giết người, chủ yếu do mâu thuẫn trong sinh hoạt, mâu thuẫn tình ái, giết người thân còn xảy ra nhiều với tính chất, mức độ nguy hiểm.

Tội phạm có tổ chức được kiềm chế, tuy nhiên, tại một số địa phưong có thời điểm một số băng, nhóm hoạt động trong một thời gian dài mới được phát hiện, điển hình như băng nhóm Xuân Đường tại Thái Bình, vợ chồng Lý Thị Loan (Loan “cá”) tại Đồng Nai, băng nhóm vợ chồng Lê Văn Phú (Phú Lê) tại Hà Nội.

Tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) với 236 vụ chống lại lực lượng Công an, tăng 136%.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế nổi lên là hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gia tăng tại các thành phố lớn và trung tâm kinh tế; thủ đoạn là giả danh cán bộ cơ quan pháp luật để lừa đảo, sử dụng công nghệ cao để huy động vốn đa cấp, tiền ảo…

Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới, các cửa khẩu, cảng biển, hàng không.

Điển hình là vụ buôn lậu, rửa tiền, vi phạm quy định về kế toán, đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường (Hà Nội); buôn lậu hơn 100 tấn dược liệu xảy ra tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn); buôn lậu 51 kg vàng xảy ra tại An Giang.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã phát sinh một số loại tội phạm như: đầu cơ, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch (điển hình là các vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội và bệnh viện Bạch Mai); lợi dụng chủ trương xã hội hóa trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công để trục lợi; buôn lậu, đầu cơ làm giả các mặt hàng phòng, chống dịch.

Tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ diễn ra phức tạp và đa dạng hơn ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn, cùng với đó là tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết các thủ tục hành chính…

Tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy diễn biến phức tạp trong điều kiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19. Hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài giảm, song ma túy tổng hợp từ Lào, Campuchia vận chuyển về Việt Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng.

Đáng chú ý, tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam giáp biên giới Campuchia, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn ra phức tạp.

Các đối tượng lợi dụng đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế để mua bán, vận chuyển ma túy; lợi dụng internet, mạng xã hội để quảng cáo, rao bán ma túy trái phép.

Đã phát hiện, bắt giữ 24 đối tượng (trong đó có 4 đối tượng người Hàn Quốc, Trung Quốc) câu kết với nhau cất giấu ma túy trong các khối đá Granite để chuyển sang Hàn Quốc bằng đường biển, thu giữ 164 kg ma túy tổng hợp, 19 bánh heroin. Đắk Lắk bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển trái phép 200kg ma túy tổng hợp dạng đá. Tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng (chiếm gần 80% tổng số người nghiện).

Bộ Công an mở 4 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đánh đúng, đánh trúng các đường dây, tổ chức tội phạm; chỉ đạo lực lượng Công an các cấp phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) điều tra, khám phá 35.872 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 83,5% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 8,5%); án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt hơn 91%; triệt phá 1.860 băng, nhóm hình sự các loại, đã trấn áp mạnh và đẩy lùi tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen.”

Lực lượng chức năng đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại 5.383 đối tượng truy nã; phát hiện, xử lý 20.550 vụ phạm tội về kinh tế; 277 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ; phát hiện, xử lý 90 vụ, 143 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông, tin học.

Bên cạnh đó, đã phát hiện, xử lý 24.548 vụ, bắt 36.404 đối tượng phạm tội về ma túy (nhiều hơn gần 13% số vụ; hơn 9% đối tượng so cùng kỳ 2019), thu giữ 738,35kg heroin, 3.430,8kg ma túy tổng hợp và hơn 2 triệu viên ma túy tổng hợp.

Gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, lợi dụng sự bùng phát của dịch COVID-19 và thiên tai xảy ra liên tục, các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn và ngày càng tinh vi, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Nổi lên là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa phòng, chống dịch, ma túy, pháo nổ; thuê nhà xưởng sản xuất ma túy; kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ giả mạo xuất xứ Việt Nam để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Năm 2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý trên 185 nghìn vụ việc vi phạm (giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước), thu nộp ngân sách nhà nước 24,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 15,4% so với cùng kỳ), khởi tố 2.543 vụ với 3.502 đối tượng (tăng 28,3% số vụ và 49,46% số đối tượng so với cùng kỳ).

5 năm qua, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thực hiện tốt trọng trách, nhiệm vụ được giao, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 1,24 triệu vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 116,9 nghìn tỷ đồng, khởi tố hình sự 10.288 vụ, 12.398 đối tượng.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy, thuốc lá, gian lận thuế xuất, nhập khẩu, kinh doanh và lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ “made in Việt Nam.”

Nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài địa hình biên giới phức tạp, cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, hạn chế, còn do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết tâm cao trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; coi việc đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.

Công tác phối hợp chia sẻ thông tin, nắm bắt tình hình, xác minh, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Theo vietnamplus.vn