Công nghiệp chế biến: Động lực dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 22:00, 07/01/2021
(BKTO) - Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2020, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp cả năm tăng 3,36% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm
Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những lĩnh vực quan trọng, đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước và trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo.
Đặc biệt trong năm 2020, dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, song lĩnh vực chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn đạt được kết quả cao, tiếp tục là động lực quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Đây cũng là nét nổi bật được đưa ra tại Hội nghị "Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021," do Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/1, tại Hà Nội.
Chuyển dịch tích cực
Theo đại diện Bộ Công Thương, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2020,giá trị tăng thêmtoàn ngành công nghiệp cả năm tăng 3,36% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tính chung 5 năm (2015-2020), giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (VA công nghiệp theo giá so sánh 2010) tăng từ 810,438 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 1.145,437 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng (VA) trong công nghiệp giai đoạn 2016-2020 ước tăng 7,16%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2020 là 6,5-7,0%/năm.
Có được kết quả trên, theo đại diện Bộ Công Thương, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành.
Điểm nổi bật là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, cùng đó là giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể, tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 xuống còn khoảng 8,1% năm 2016 và 6,72% năm 2019 và ước chỉ còn 5,55% năm 2020).
Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82% trong năm 2020. Xét cả giai đoạn 2016-2020, nhóm ngành này liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 14,27% năm 2016 lên 16,48% vào năm 2019 và ước đạt 16,7% vào năm 2020).
Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực, như điện tử, dệt may, da giày... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.
“Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế,” Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tăng dần tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp hỗ trợ cũng được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản…
Đáng chú ý, cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điển hình trong số đó là công nghiệp ôtô Việt Nam lần đầu tiên khẳng định sự tự chủ trong đầu tư, sản xuất, làm chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, sau 35 năm đổi mới, lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam đã tạo được nhiều đột phá. Từ nền công nghiệp ko đầy đủ, đến nay Việt Nam đã có nền công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gần 100 triệu dân nội địa.
Đặc biệt, hàng hóa “Made in Vietnam” đã phủ sóng khắp các thị trường trong và ngoài nước, điều này nhờ cả một quá trìnhtái cơ cấu, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Còn theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Thành Công Motor Việt Nam, trong những năm qua, ngành công nghiệp ôtô trong nước đã có sự phát triển mạnh mẽ. Hiện đã lắp ráp và sản xuất chiếm 80% dung lượng thị trường qua đó có bước phát triển cả về lượng và chất.
“Là một trong những trụ cột, ngành công nghiệp ôtô đã đóng góp hàng tỷ USD mỗi năm và chất lượng xe từng bước được khẳng định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,” ông Lê Ngọc Đức nói.
Bên cạnh đó, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.
Tuy nhiên, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những thách thức của lĩnh vực công nghiệp Việt Nam. Cụ thể là phát triểncông nghiệpvẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt và có sức cạnh tranh quốc tế cao.
Cùng với đó, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được nhiều mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường…
Do đó, để tạo động lực lớn hơn cho phát triển các ngành sản xuất mũi nhọn, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục định hướng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, năng lượng, hóa chất, thép, thiết bị điện… một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử…
Ngoài ra, đơn vị này sẽ phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn phục vụ sản xuất công nghiệp để tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
“Bộ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp, rà soát, cải cách cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp...,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Theo Vietnamplus