Chiến lược Make in Vietnam sẽ giúp ngành ICT tăng trưởng 2-4 lần GDP
Kinh tế - Ngày đăng : 14:10, 12/01/2021
(BKTO) - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng công nghiệp ICT, viễn thông, bưu chính, hay báo chí Việt Nam đều nhìn ra sứ mệnh, cơ hội mới để đưa đất nước vượt qua thu nhập trung bình thấp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại hội nghị tổng kết ngành Thông tin và Truyền thông diễn ra sáng 12/1, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá ngành này chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như hiện tại và đây cũng là cơ may hiếm có để định vị lại mình.
"Chúng ta hiện sống trong một giai đoạn đặc biệt, thế giới đang thay đổi nhanh, khó đoán định vì nhân loại đang bước vào một không gian sống mới. Sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn song hành," Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp ICT sẽ nhận về mình một sứ mệnh hoàn toàn mới. Theo Bộ trưởng, nếu công nghiệp ICT vẫn là lắp ráp, gia công, làm thuê thì lĩnh vực này vẫn như cũ. Tuy nhiên, nếu công nghiệp ICT là "Make in Vietnam," là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam sẽ giúp đất nước phát triển, từ đây đi ra chinh phục thế giới.
Điều này cũng sẽ biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ và theo tính toán, giúp ngành ICT tăng trưởng 2-4 lần GDP. "Make in Vietnam" cũng sẽ đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng, thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Với viễn thông, Bộ trưởng nhìn nhận "không gian, sứ mệnh mới đã và đang dần hình thành." Bên cạnh vai trò là hạ tầng thông tin liên lạc, lĩnh vực này phải trở thành hạ tầng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế số, cung cấp công nghệ, dịch vụ tới mọi người dân, doanh nghiệp để giúp sáng tạo sản phẩm.
Theo lãnh đạo ngành Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo và tương lai của ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng phải là sự phát triển mang tính đột phá.
Bộ trưởng lý giải đột phá ở chỗ thay vì làm dần dần từng phần, thì làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh. Các nước đi sau phải ứng dụng chuyển đổi số mạnh, nhanh hơn và thành người đi trước, bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Đột phá cũng thể hiện ở việc càng dùng càng rẻ, phát triển công nghệ, giúp những người nghèo nhất tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất, doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp cận thị trường toàn cầu.
Với lĩnh vực báo chí, Bộ trưởng cho rằng: "Nếu vẫn tiếp tục là đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào, thì báo chí vẫn như cách đây hàng trăm năm."
Theo Bộ trưởng, sứ mệnh mới của báo chí phải là khơi dậy khát vọng hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển thu nhập cao. Để làm được điều này, báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, cũng như tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới từng người dân, lan toả năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, ngành Thông tin và Truyền thông đã làm được nhiều việc trong năm 2020, cũng như cả nhiệm kỳ 2015-2020 và tiếp nối những thành quả của các thế hệ đi trước, giữ gìn được những giá trị cốt lõi.
2021 là năm đầu của nhiều giai đoạn quan trọng với Việt Nam như 5 năm để vượt qua thu nhập trung bình thấp, 10 năm trở thành nước thu nhập trung bình cao, 25 năm để thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng xã hội chủ nghĩa. "Và, con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.
Theo vietnamplus.vn