Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong nhiệm kỳ mới
Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 13/01/2021
(BKTO) - Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là một trong những điểm mới tại Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Một câu hỏi được dư luận quan tâm: Vì sao phải đến kỳ Đại hội này, khát vọng phát triển đất nước mới được đề cập?
KTNN góp phần cùng cả nước chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ảnh tư liệu
Thời điểm chín muồi đểkhơi dậy khát vọngphát triển đất nước
Nhận định về điểm mới này trong chủ đề của Đại hội, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đều cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước. Theo ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức T.Ư, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Dẫn câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, ông Nguyễn Đức Hà khẳng định, Việt Nam đang có một nguồn lực nội sinh rất lớn, nguồn lực ấy cần phải được khai thác để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
Nhìn nhận về điểm mới nổi bật này trong chủ đề của Đại hội XIII, ông Nguyễn Túc (Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) - phân tích: Dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn và hiện tại, chúng ta đã thắng lợi toàn diện trên mọi lĩnh vực. Vì thế, trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần phải phát huy tinh thần yêu nước, khơi dậy khát vọng mạnh mẽ để có thể đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Chung (Ban Tuyên giáo, Đảng uỷ Khối các cơ quan T.Ư) nhận định: Nước ta phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, mục tiêu mà Đảng ta đặt ra lần này rất cao. Điều đó đòi hỏi phải khơi dậy tinh thần phát triển đất nước giàu mạnh hơn nữa; phải có ý chí, tinh thần, khát vọng phát triển đất nước trở thành quốc gia hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.
Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Trong tư tưởng của Người, hạnh phúc cho nhân dân là một mục tiêu quan trọng. Bởi vậy, theo phân tích của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, quan điểm về khát vọng phát triển đất nước trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào đường lối, chủ trương của Đảng để xây dựng đất nước trong bối cảnh mới. Đó là cách để Đảng ta, nhân dân ta quyết tâm thực hiện khát vọng và tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện thực hóa khát vọngbằng những mục tiêu cụ thể
Khát vọng phát triển đất nước không chỉ là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chủ đề của Đại hội XIII mà còn được cụ thể hóa bằng các mục tiêu: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
PGS,TS. Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư - cho rằng: Việc xác định các mục tiêu trên theo cách tiếp cận mới: trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập là phù hợp với thông lệ của quốc tế. Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân thấp là dưới 4.045 USD/người/năm, thu nhập trung bình là từ 4.045 đến 12.535 USD/người/năm, thu nhập cao là trên 12.535 USD/người/năm. Dự kiến, GDP bình quân đầu người lần lượt đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD và 7.500 USD đến năm 2025 và 2030. Như vậy, nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 có thu nhập cao là hoàn toàn khả thi.
Mục tiêu trên cũng như khát vọng về đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nhiệm vụ của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chính phủ và các Bộ, ngành “luôn phải có các chính sách, biện pháp phù hợp để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Trước mắt, để góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước đến năm 2045, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, chúng ta cần biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới… nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Việc thực hiện các mục tiêu, khát vọng trên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cộng đồng DN và nhân dân cả nước. Góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chung của quốc gia, dân tộc, Đảng bộ KTNN cũng đã xác định mục tiêu tổng quát xuyên suốt nhiệm kỳ 2020-2025 là xây dựng Đảng bộ “kỷ cương, liêm chính, chuyên nghiệp, đổi mới và hội nhập”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, giai đoạn 2021-2030 cũng đã xác định mục tiêu phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu này trong tương lai chính là KTNN góp phần cùng cả nước chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
ĐỨC THÀNH