Thu ngân sách năm 2020 đạt 98% dự toán
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:45, 14/01/2021
(BKTO) - Năm 2020, tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt 2,91%, giảm hơn một nửa so với mục tiêu đặt ra là 6,8% nhưng thu NSNN cả năm đạt 98% dự toán, chỉ hụt thu hơn 30.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.
Thu NSNN cả năm 2020 đạt 98% dự toán. Ảnh: TTXVN
Năm 2020, hụt thuhơn 30.000 tỷ đồng
Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) - cho biết: Dự toán thu NSNN năm 2020 được Quốc hội quyết định là hơn 1,5 triệu tỷ đồng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%, lạm phát không quá 4%, giá dầu thô 60 USD/thùng.
Trên cơ sở kết quả thu ngân sách 9 tháng năm 2020 đạt 64,5% dự toán và qua thảo luận với các địa phương, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ước thực hiện thu NSNN năm 2020 là trên 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 189.200 tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán.
Thế nhưng, đến hết ngày 30/12/2020, thu NSNN đạt 1,45 triệu tỷ đồng, bằng 96% dự toán, tăng 130.000 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Ước tính cả năm 2020, thu NSNN đạt khoảng 1,48 triệu tỷ đồng, đạt 98% (hụt 30.700 tỷ đồng) so với dự toán, tăng 158.500 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,5% GDP, riêng thuế, phí đạt 18,9% GDP. Trong đó: Thu nội địa đạt 1,26 triệu tỷ đồng, bằng 100% dự toán, tăng 148.600 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Thu từ dầu thô đạt 34.400 tỷ đồng, bằng 97,7% so với dự toán, tăng 1.900 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 178.000 tỷ đồng, bằng 85,6% so với dự toán, tăng 8.000 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội.
Trong tổng số thu NSNN nêu trên, thu ngân sách T.Ư ước đạt 779.400 tỷ đồng, bằng 91,5% dự toán, tăng 54.400 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, nhưng loại trừ các khoản ghi thu, ghi chi thì vẫn hụt 99.200 tỷ đồng so dự toán (đã báo cáo Quốc hội ước hụt thu 126.800 - 165.300 tỷ đồng).
Thu ngân sách địa phương ước đạt 702.200 tỷ đồng, bằng 106,3% (vượt 41.700 tỷ đồng) so dự toán, tăng 104.100 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Ước tính, 55/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao; 8 địa phương không đạt dự toán, bao gồm các địa phương trọng điểm thu.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến quyết toán ngân sách ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thêm: Năm 2020, chi NSNN được thực hiện trong bối cảnh thu ngân sách giảm, cân đối ngân sách các cấp khó khăn. Đến nay, NSNN đã chi khoảng 18.100 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho gần 13 triệu người dân; đề xuất cấp 36.600 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Một điểm sáng nữa trong điều hành ngân sách là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước, lũy kế hết tháng 12 đã đạt gần 83% kế hoạch năm… Nhờ đó, bội chi NSNN, nợ công năm 2020 được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi Quốc hội cho phép, tương ứng khoảng 4,2% GDP và 55,9% GDP. Kết quả này góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách năm 2020 và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tài chính - ngân sách 5 năm 2016-2020.
Năm 2021 phấn đấu tăng thu tối thiểu 3%
Về nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, toàn ngành tài chính sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện yêu cầu của Chính phủ là thu NSNN tăng tối thiểu 3% so với dự toán, các địa phương có điều kiện thì phấn đấu tăng thu từ 3 - 5%.
Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra ngay từ đầu năm 2021 trên tinh thần phát huy các mặt tích cực của năm 2020, lường trước các khó khăn, thách thức, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để có kế hoạch triển khai chi tiết, khả thi.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho DN và người dân. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu các giải pháp, chính sách về miễn, giảm, giãn thuế, phí và thu ngân sách để hỗ trợ DN, hộ kinh doanh gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn lậu thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.
Đồng thời, các địa phương cần tổ chức điều hành chi NSNN năm 2021 theo dự toán chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, đặc biệt là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước. Các giải pháp đẩy mạnh giải ngân cần được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, các khoản thu lớn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không đạt dự toán như: thu từ khu vực DNNN đạt 82,6%, thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 89,4%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 88,8%, thu thuế bảo vệ môi trường đạt 88,5% dự toán. Số thu từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN của ngân sách T.Ư chỉ đạt 16.700/45.000 tỷ đồng, bằng 37,1% dự toán. |
THÙY ANH