Tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới
Kinh tế - Ngày đăng : 09:35, 14/01/2021
(BKTO) - Trao đổi trước cộng đồng DN trong nước và quốc tế tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng DN sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái bình thường mới là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô năm 2020.
Việc kiến tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng DN là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Ảnh tư liệu
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư... đã được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính cạnh tranh quốc tế nhằm nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả các cơ hội thu hút đầu tư trong tình hình mới.
Với sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng DN, tình hình đăng ký DN năm 2020 có những kết quả đáng ghi nhận. Cả nước có 134.900 DN đăng ký thành lập mới, giảm 2,3% so với năm trước nhưng có số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3%. Nếu tính cả 3,34 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39.500 DN đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là gần 5,58 triệu tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 44.100 DN quay trở lại hoạt động, tăng 11,9%, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179.000 DN, tăng 0,8% so với năm trước. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 14.900 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, trong năm qua, vẫn có tới 101.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trong đó, 46.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37.700 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17.500 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 8.500 DN rút lui khỏi thị trường.
Về thu hút FDI, do tác động của đại dịch Covid-19, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% năm 2019. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI tuy giảm song mức độ giảm đã được cải thiện. Nhiều DN FDI đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng dự án. Điểm nhấn đáng chú ý là vốn đầu tư điều chỉnh của khu vực FDI đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Chính phủ tiếp tục đồng hànhcùng doanh nghiệp
DN đang lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2021 với 81% đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2020. Đó là kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN chế biến, chế tạo vừa qua. Có 40,6% DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn quý III/2020; 24,7% đánh giá gặp khó khăn và 34,7% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I/2021, 42,8% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2020; 19% dự báo khó khăn hơn và 38,2% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Để hỗ trợ cộng đồng DN trong nước và quốc tế tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN; cải cách quy trình, thủ tục để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Đồng thời, hỗ trợ DN trong nước tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cần thiết phải nâng cao sức cạnh tranh của DN. Theo đó, tại thị trường trong nước, DN cần thực thi phương châm: “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Muốn vậy, các chính sách cũng cần chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời, kích cầu đầu tư trong khối DN sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng cần nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào.
Đối với khu vực FDI, cơ hội và niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam đều đang tăng lên, điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn trong thời gian tới. Sự kết nối với khu vực FDI sẽ tạo cơ hội cho các DN trong nước phát triển nhanh, hướng tới tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng DN vượt qua thách thức, tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, Chính phủ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác; hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh, phát triển tiêu thụ tại thị trường trong nước. Chính phủ cũng tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư FDI vào hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đón làn sóng đầu tư mới gắn với tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, Chính phủ sẽ ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số, coi đây là khâu đột phá trong phát triển nhanh, bền vững.
PHÚC KHANG