Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những kết quả KTNN đạt được trong 20 năm qua
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:05, 16/07/2014
(BKTO) - Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Thanh Hải
- Qua 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, có thể khẳng định, KTNN đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu quan trọng.
Để tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho tổ chức, hoạt động của KTNN, kể từ khi thành lập đến nay, KTNN đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng quan trọng để khẳng định địa vị pháp lý, chức năng và nhiệm vụ của mình, trong đó dấu ấn quan trọng nhất là sự ra đời của Luật KTNN năm 2005. Với việc Luật KTNN được ban hành, tổ chức và hoạt động của KTNN đã được quy định khá toàn diện, có hệ thống, đặc biệt là địa vị pháp lý của KTNN đã được xác định là cơ quan kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cùng với Luật KTNN, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, trong đó xác định rõ định hướng phát triển KTNN cả giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Đặc biệt, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2013, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2014 đã chính thức hiến định địa vị pháp lý của KTNN tại Điều 118. Đây là một mốc son trong tiến trình 20 năm xây dựng và phát triển của KTNN, đánh dấu việc hoàn thành sớm một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.
Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý và kiểm toán viên của KTNN cũng được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn, phát huy được năng lực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành.
Về chuyên môn, số lượng các cuộc kiểm toán đã được tăng lên qua từng năm cả về số lượng và chất lượng; hoạt động của KTNN dần đi vào nề nếp, có trật tự, kỷ cương theo hướng chuyên nghiệp hoá. Trên cơ sở đó, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán cũng từng bước được tăng cường.
Những năm gần đây, KTNN đã thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động theo kế hoạch và theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho Quốc hội trong quá trình xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN, quyết định dự toán NSNN; phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội; cung cấp thông tin có tính chuyên môn cao giúp Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giúp các Bộ, ngành cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng NSNN.
Đặc biệt, các kết luận và kiến nghị kiểm toán của KTNN đã giúp Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành thấy rõ những bất cập trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành cũng như những thiếu sót cần khắc phục trong việc quản lý, sử dụng NSNN; để có giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, thiết lập lại các trật tự, kỷ cương trong sử dụng NSNN, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công.
Với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN là một trong những công cụ có hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, thất thoát, lãng phí, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà KTNN đã đạt được qua 20 năm phát triển và trưởng thành.
Hiện nay, KTNN đang bước vào giai đoạn trọng tâm thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, đồng thời cụ thể hóa những quy định về địa vị pháp lý đã được hiến định. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, hoạt động của KTNN trong giai đoạn tiếp theo cần quan tâm, chú trọng những vấn đề gì, thưa đồng chí?
- Để xây dựng KTNN xứng tầm là một thiết chế hiến định độc lập, hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành đến năm 2020, trong giai đoạn tới KTNN cần phải tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm, nổi bật là những nhiệm vụ sau đây:
Một là, luôn nắm vững và bám sát định hướng chiến lược phát triển của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách, các giải pháp, chính sách tài khóa, tiền tệ trong quản lý, điều hành của Chính phủ ở từng thời kỳ; các vấn đề bức xúc đang được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm để xác định mục tiêu, trọng tâm kiểm toán dài hạn, trung hạn và hàng năm nhằm cung cấp thông tin xác thực, thích hợp và kịp thời phục vụ công tác quản lý, điều hành, giám sát tài chính, tài sản công.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động kiểm toán theo hướng cụ thể hóa các quy định về KTNN trong Hiến pháp 2013; lựa chọn và tập trung ưu tiên thực hiện các mục tiêu trọng tâm, phù hợp với giai đoạn hiện nay của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.
Ba là, tổ chức và hoạt động KTNN phải luôn được triển khai thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa.
Bốn là, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan; chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KTNN.
Bên cạnh đó, KTNN cần tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm toán cả về trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp; chăm lo xây dựng hệ thống chính trị nội bộ vững mạnh...
Bước sang chặng đường phát triển mới, mong rằng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động KTNN tiếp tục đồng lòng vì sự nghiệp KTNN; mang khí thế, sức vóc tuổi đôi mươi làm hành trang để nối dài những bước đi vững chắc. Chúc các đồng chí luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ, trọng trách được giao vì nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững; tương xứng với vai trò, vị trí một thiết chế độc lập trong thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đã được tin cậy giao phó.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội!
NGỌC MAI(thực hiện)