Thông tuyến tỉnh Bảo hiểm y tế: Thách thức lớn đối với các cơ sở y tế

Xã hội - Ngày đăng : 16:05, 18/01/2021

(BKTO) - Năm 2021, nhiều chính sách mới về bảo hiểm y tế (BHYT) có lợi cho người dân sẽ được triển khai thực hiện. Trong đó phải kể đến việc thông tuyến điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh. Sự thay đổi này góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người có thẻ BHYT dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế. Song mặt khác cũng tác động không nhỏ tới các cơ sở y tế khi đứng trước tình trạng bệnh viện tuyến trên sẽ tiếp tục quá tải, bệnh viện tuyến dưới thì thiếu hụt bệnh nhân.


Đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người bệnh

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế: Từ ngày 01/01/2021 sẽ thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám, chữa bệnh BHYT. Người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến, được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến với tỷ lệ như sau: Tại bệnh viện tuyến Trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (hiện nay chỉ được thanh toán là 60%); tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí KCB.

Chính sách mới này sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh hoặc bệnh nhân ở xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác. Người bệnh không mất công đi về hay phải xin giấy chuyển tuyến từ dưới lên trên như trước đây nữa. Điều này vừa đảm bảo được tính kịp thời để chữa trị cũng như giảm bớt thủ tục, giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức.
Từ ngày 01/01/2021 sẽ thông tuyến bảo hiểm y tế tuyến tỉnh với điều trị nội trú

Cùng với việc tạo điều kiện cho người dân chủ động lựa chọn, tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh, chính sách này cũng là động lực nâng cao chất lượng KCB tại tất cả các tuyến y tế. Các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ phải nâng cao chất lượng KCB để giữ bệnh nhân, không để họ đổ đến thành phố lớn hoặc đi các địa phương khác điều trị. Khi chất lượng KCB nâng lên, người bệnh sẽ gián tiếp được hưởng lợi từ việc này.

Thách thức đối với các cơ sở y tế

Có thể nói, Quy định mới về thông tuyến BHYT tuyến tỉnh đã có tác động tích cực đối với người bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra không ít thách thức cho các cơ sở y tế. Về phía các cơ sở KCB tuyến tỉnh, sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng, trong khi nhân lực, vật lực của nhiều bệnh viện tuyến tỉnh còn đang hạn chế. Điều này bắt buộc các cơ sở KCB tuyến tỉnh phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cao, đào tạo nguồn nhân lực khám chữa bệnh giỏi để thu hút bệnh nhân; đồng thời có giải pháp giải quyết tình trạng quá tải.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh cũng là một áp lực lớn đối với các trung tâm y tế, bệnh viện huyện khi phải đối mặt với tình trạng sụt giảm bệnh nhân, đi liền với việc giảm thu nhập. Không chỉ vậy, khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, chi phí y tế cũng gia tăng, tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT.

Tại Nghệ An, thực hiện chính sách mới, các bệnh viện tuyến tỉnh đang đứng trước trước viễn cảnh số lượng bệnh nhân sẽ ngày một đông. Giám đốc một bệnh viện tuyến tỉnh chia sẻ: Việc bệnh nhân tuyến dưới sẽ đổ dồn về bệnh viện tuyến tỉnh là xu thế bất khả kháng. Về phía bệnh viện tuyến tỉnh, muốn từ chối bệnh nhân cũng không được, bởi đó là quyền lợi chính đáng, yêu cầu của bệnh nhân. Như vậy, chính sách này vô tình sẽ cản trở những chính sách khác, đó là chống quá tải bệnh nhân tuyến trên và tăng cường cho y tế cơ sở. Từ đó, sẽ dẫn đến tình trạng bệnh viện tuyến trên sẽ tiếp tục quá tải, bệnh viện tuyến dưới thì thiếu hụt bệnh nhân.
Người dân chờ khám bệnh tại bệnh viện Đa khoa TP Vinh (Nghệ An)

Từ 01/01/2021 đến 12/01/2021, sau 12 ngày thực hiện thông tuyến, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng phía Bệnh viện Đa khoa TP Vinh cho biết số lượng bệnh nhân có giảm so với cùng kì năm 2020.

Theo Bác sĩ CKII Phạm Văn Sơn – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vinh: Bệnh viện hiện có đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có các chuyên khoa mạnh, trang thiết bị y tế hiện đại. Tuy nhiên, thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh đang thực sự là nỗi lo của cơ sở y tế tuyến dưới khi bệnh nhân có thể tràn lên tuyến tỉnh mà không cần qua bệnh viện cấp huyện. Thậm chí, có thể xảy ra xu hướng chỉ định điều trị nội trú kể cả với bệnh nhân mắc bệnh nhẹ. Chúng tôi xem đây là thách thức lớn và để giữ bệnh nhân ở lại điều trị tại cơ sở mình thì không còn cách nào khác là bản thân lãnh đạo và đội ngũ y, bác sĩ ở đây phải nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh để có thể đón tiếp, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất...

Bài và ảnh: HOÀNG HÀ