Bám sát mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:10, 10/07/2014

(BKTO) - Ông Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Tổng KTNN giai đoạn 2006 - 2011



Ông VươngĐìnhHuệ- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Tổng KTNN
Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được ban hành theo Nghị quyết số 927 ngày 19/4/2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12. Đây là văn bản pháp lý cao nhất và rất quan trọng để định hướng chiến lược cho việc phát triển tổ chức và hoạt động của KTNN trong một khoảng thời gian 10 năm, khớp với 10 năm phát triển kinh tế - xã hội. Ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo KTNN bằng nỗ lực rất cao của ngành và sự nỗ lực của các tổ chức quốc tế đã ban hành Kế hoạch hành động để thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, với 6 nhóm giải pháp, 43 hoạt động và 142 tiểu hoạt động hết sức chi tiết, xác định nội hàm và phương cách thực hiện cũng như tiến độ thời gian hết sức cụ thể. Cho đến nay, theo tôi đánh giá, việc triển khai chiến lược này đã bám rất sát các mục tiêu, quan điểm và giải pháp của Kế hoạch hành động.

Trên cơ sở thực hiện Luật KTNN năm 2005 cũng như thực hiện Chiến lược, các tổ chức và hoạt động của KTNN tiếp tục có bước phát triển rất quan trọng và đúng hướng, với việc hoàn thiện bộ máy của các cơ quan tham mưu, các đơn vị sự nghiệp ở KTNN Trung ương, việc thành lập và hoàn thiện các đơn vị ở KTNN khu vực và chuyên ngành... Đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên đã được tăng về số lượng, cơ cấu và chất lượng cũng phát triển cao hơn trước, giúp cho KTNN hoàn thành ngày càng tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ của mình, được Quốc hội, Chính phủ cũng như dư luận đồng tình và đánh giá cao.

Điều quan trọng nhất và ấn tượng nhất là việc địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước được hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Đây là một sự kiện mang tính lịch sử đối với KTNN. Sự kiện này sẽ mở ra những cơ hội và những thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu hết sức to lớn đối với tổ chức và hoạt động của KTNN.

Một thành công nổi bật khác là công tác hội nhập và quan hệ quốc tế của KTNN đã tiếp tục duy trì và đạt được những thành tựu đáng trân trọng. Đáng chú ý nhất là chúng ta đã có tiếng nói hết sức quan trọng, mang tính quyết định trong việc thành lập và ra đời Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI), tham gia các hoạt động của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI).

Là một người từng có 10 năm gắn bó với KTNN trên cương vị Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước, đến bây giờ tôi vẫn thường xuyên dõi theo từng bước đi của ngành. Tôi hết sức vui mừng và phấn khởi trước sự trưởng thành vượt bậc của KTNN trong 20 năm qua. Trên cơ sở Luật KTNN năm 2005 và Chiến lược phát triển KTNN, tôi rất mong muốn ngành chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu để có nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, đặc biệt là trong công cuộc cải cách và cơ cấu nền tài chính quốc gia, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
NHỊ NGUYÊN (ghi)