Ngành tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực

Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 21/01/2021

(BKTO) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành tài chính trong thời gian tới. Yêu cầu này được Thủ tướng đặt ra tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Tài chính mới đây trên cơ sở ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành trong việc điều hành thu - chi ngân sách năm 2020.



Ngành tài chính đã có nhiều nỗ lực trong việc điều hành thu - chi ngân sách năm 2020. Ảnh tư liệu

Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu - chi trong bối cảnh rất khó khăn

Năm 2020, nhiều yếu tố khách quan khiến thu NSNN tại một số địa phương gặp khó khăn, 7/63 địa phương không hoàn thành dự toán. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết: Năm 2020, Quảng Ngãi được giao thu hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó, thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 6.000 tỷ đồng. Kết quả, Quảng Ngãi thu được 10.600 tỷ đồng, hụt thu hơn 3.200 tỷ đồng, trong đó, hụt thu từ Nhà máy Lọc dầu hơn 2.147 tỷ đồng do giá dầu giảm sâu. 2 năm liên tiếp (2019-2020), Quảng Ngãi hụt thu từ dầu hơn 5.000 tỷ đồng do giá dầu giảm sâu.

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch bệnh, nhiều địa phương đã nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020. Theo bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, năm 2020, Thành phố đã đảm bảo được mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo đời sống của nhân dân. Các biện pháp linh hoạt của Thành phố đã giúp nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách, Thành phố đã quyết tâm không để tăng trưởng âm với chỉ số GDP tăng 1,39%, thu NSNN đạt 91,5% dự toán. Mặc dù tăng trưởng kinh tế thấp làm số thu sụt giảm so với dự toán nhưng Thành phố đã bám sát dự toán, chủ động cân đối nguồn thu để đảm bảo các khoản chi trong dự toán, các khoản chi hỗ trợ cho người dân, DN, bảo trợ xã hội…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài chính trong việc chủ động, kịp thời ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai thông qua việc đề xuất ban hành nhiều cơ chế, chính sách, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, miễn, giảm thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với tổng số tiền gần 124.000 tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời DN và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ngoài việc đẩy mạnh chính sách thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận, trốn thuế, việc miễn giảm thuế phí đã giúp sản xuất kinh doanh “bùng” lên... Trong bối cảnh khó khăn của toàn cầu, năm 2020, thu ngân sách đạt 98% dự toán, bội chi dưới 4% GDP, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,9% GDP, nợ công 55,8% GDP, nợ Chính phủ 49,6% GDP… Thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao so với các nước trên thế giới, quy mô thị trường đạt gần 88% GDP, tăng gần 21% so với cuối năm 2019. Giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch, cơ cấu thu NSNN bền vững hơn. Tổng chi ngân sách cho an sinh xã hội tới 51%, cao nhất trong số các nước ASEAN, chi cho giáo dục chiếm 20% tổng chi, cũng là mức chi cao… Những con số ý nghĩa này cho thấy nền tài chính quốc gia được quản lý chặt chẽ, vững mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đổi mới tư duy chiến lược theo hướng tài chính vì sự phát triển bền vững

Trên cơ sở ghi nhận những kết quả đạt được, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược theo hướng tài chính vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Ngành tài chính phải tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tài chính, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán NSNN, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cơ cấu NSNN, nợ công, phát triển ngân sách quốc gia an toàn, bền vững. Ngoài nhiệm vụ thu - chi, quản lý NSNN, ngành tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước. Ngành cần chủ động phối hợp các cấp, các ngành, các địa phương bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế thông suốt, an toàn, tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ quyết tâm phấn đấu thu ngân sách năm 2021 đạt và vượt dự toán, để bù đắp hụt thu 2 năm trước đó. Năm 2021, TP. HCM cũng cam kết sẽ tăng cường quản lý và khai thác các nguồn thu, tiếp tục đẩy mạnh quản lý tài chính DN, tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là tăng cường kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tài sản công, bố trí kế hoạch chi trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tăng cường đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công…

Nhằm phấn đấu thu vượt 5% so với dự toán, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn khẳng định sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như: tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, cải cách, tinh gọn bộ máy…

Ban cán sự đảng Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021. Trong đó, Nghị quyết yêu cầu toàn ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thay đổi phương thức phục vụ, lấy người dân, DN làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện và phát triển hệ thống thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; mở rộng phạm vi hoàn thuế điện tử; mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử... phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP; điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN trong phạm vi 4% GDP…

THÙY ANH