KTNN với trách nhiệm phòng, chống tham nhũng

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:05, 10/07/2014

(BKTO) - Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Tổng KTNN giai đoạn 2011 - 2013



ÔngĐinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Tổng KTNN
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý cũng như yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản Nhà nước, từ năm 2011, KTNN đã chủ trương đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm, như: quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; các chương trình giảm nghèo như Chương trình 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Chính sách 167 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo... Qua đó, KTNN đã khuyến nghị nhiều cơ chế, chính sách cần sửa đổi và khuyến nghị việc lồng ghép các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý tiền, tài sản Nhà nước trong thực hiện các chương trình giảm nghèo.

Trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước ta coi công cuộc phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Để hoàn thành được trọng trách này, với tư cách là người đã từng giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước, tôi thấy KTNN cần tập trung làm tốt một số việc như sau:
Thứ nhất, vì kiểm toán hoạt động trong môi trường nhạy cảm nên cần thiết phải xây dựng được đội ngũ kiểm toán viên (KTV) có đạo đức, bản lĩnh chính trị cao, thực sự trong sạch và có đủ năng lực, trình độ.

Thứ hai, phải ban hành hệ thống quy trình, chuẩn mực kiểm toán vừa đảm bảo khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế và phải vừa đơn giản để dễ thực hiện.

Thứ ba, phải thiết kế được hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ; như: Kiểm toán trưởng phải kiểm soát được Trưởng đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán phải kiểm soát được các tổ và các KTV, các KTV phải kiểm soát lẫn nhau.

Thứ tư, tập thể lãnh đạo KTNN phải có sự tập trung lãnh đạo quyết đoán và ý chí chính trị cao trong vấn đề công khai minh bạch, xử lý sai phạm liên quan đến thất thoát, lãng phí và tham nhũng. Khi có dấu hiệu sai phạm phải được xem xét khách quan, xử lý nghiêm theo đúng quy định; tạo môi trường hoạt động công khai, minh bạch trong nội bộ KTNN; tạo nếp sinh hoạt cho KTV khi đi kiểm toán dài ngày, ví dụ như duy trì hoạt động của các chi bộ tạm thời.

Thứ năm, phải có sự phối hợp tốt với các cấp, các ngành nội chính T.Ư để xử lý những sai phạm liên quan đến tham nhũng; phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN cũng như phối hợp quản lý KTV khi thực thi nhiệm vụ ở địa bàn.

Phòng, chống tham nhũng là công cuộc lâu dài, xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân; là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. KTNN là một trong những đơn vị nòng cốt để thực hiện việc này. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN phải chỉ ra được những địa chỉ tham nhũng, lãng phí. Cuối cùng, sau khi phát hiện ra những sai phạm, KTNN phải phối hợp với các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để xử lý một cách nghiêm minh theo quy định pháp luật.

THÙY ANH (ghi)