Dấu ấn chuyển đổi số ngành y tế
Xã hội - Ngày đăng : 14:10, 20/01/2021
(BKTO) - Được đánh giá là một trong những điểm sáng về chuyển đổi số trong năm 2020 nhằm phục vụ người dân được tốt hơn, ngành y tế đã và đang hết sức nỗ lực trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ để người dân được tiếp cận tất cả dịch vụ y tế tiện ích, thuận lợi hơn, chất lượng hơn.
Ngành y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh. Ảnh: P.Tuân
Nhiều nền tảng ứng dụng ra đời
Tại Hội nghị Y tế toàn quốc diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2020, trong bối cảnh phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 song ngành y tế đã có những cải cách mạnh mẽ và có nhiều điểm nhấn trên nhiều lĩnh vực từ khám chữa bệnh, dự phòng, dân số, khoa học công nghệ… Đặc biệt, ngành y tế đã ghi dấu ấn trong việc chuyển đổi số y tế, trở thành điểm sáng quốc gia năm 2020.
Với việc chuyển đổi số y tế, đến nay, 100% văn bản của ngành đã được xử lý điện tử, 100% áp dụng chữ ký số. Trong lĩnh vực dịch vụ công, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và là một trong hai Bộ đưa 100% dịch vụ công cấp 4 kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia…
Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn, ngành y tế ra đời một loạt các nền tảng ứng dụng như: Mạng Y tế Việt Nam kết nối với cán bộ y tế trên toàn quốc và sẽ hoàn thành trong tháng 6/2021; Mạng Y tế cơ sở - V20 (nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 trạm y tế xã). Trong 5 tháng, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa 98 triệu bản ghi, hồ sơ thành hồ sơ sức khỏe cá nhân, từ đó tạo ra nền tảng cho việc triển khai khám, chữa bệnh không dùng giấy.
Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, chỉ trong 45 ngày, ngành đã kết nối thành công 1.000 điểm khám, chữa bệnh từ xa và đến nay đã có hơn 1.500 điểm cầu kết nối. Đề án đã phát huy hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân ở cơ sở. Cùng với đó, ngành đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo sử dụng hình ảnh X-quang phổi trong hỗ trợ chẩn đoán Covid-19. Việt Nam cũng là nước đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn Covid-19, chẩn đoán điều trị Covid-19 từ xa.
Hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch mọi hoạt động của ngành y tế, trong năm 2020, Bộ Y tế đã khai trương Cổng Công khai Y tế với việc công khai 62.438 giá dược phẩm; 28.000 dữ liệu về trang thiết bị - vật tư y tế; 93.253 kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ.
Trong năm qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, khám, chữa bệnh, giám định thanh toán BHYT, hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện; nhiều bệnh viện đã ứng dụng bệnh án điện tử, sử dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy; nhiều bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim. Bộ Y tế được xếp hạng thứ 4 về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ...
Hướng tới nền y tế số
Trên cơ sở những nền tảng công nghệ đã được xây dựng, trong năm 2021, Bộ Y tế xác định sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế với các chương trình như: Hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh (hồ sơ sức khỏe điện tử, theo dõi, cảnh báo dịch bệnh, ứng dụng cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe…); Hệ thống khám, chữa bệnh thông minh (khám, chữa bệnh trực tuyến, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…) và Hệ thống quản trị y tế thông minh (quản lý, điều hành điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thống kê y tế điện tử, cơ sở dữ liệu y tế quốc gia)…
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, đến tháng 3/2021, ngành y tế sẽ chính thức đưa trí tuệ nhân tạo vào cấp phép với ngành dược, thực phẩm. Tháng 7/2021, ngành thực thi khám, chữa bệnh ngoại trú không dùng giấy. “Đây là mục tiêu tham vọng, nhưng phải thực hiện để có bước chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới nền y tế số trong tương lai. Tiến tới sẽ sử dụng bệnh án dùng chung cho các tuyến - một bước cao hơn nhằm tiết kiệm chi phí thực hiện cận lâm sàng cho bệnh nhân; đồng thời, hướng đến toàn bộ dữ liệu y tế được quản lý tập trung” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực y tế dự phòng, ngành sẽ triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân; người dân được bác sĩ tư vấn, chăm sóc như là bác sĩ riêng. Đồng thời, phát triển ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu thu thập từ tất cả các nguồn thông qua công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Đối với chuyển đổi số trong bệnh viện, ngành y tế ưu tiên triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện tuân thủ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám, chữa bệnh…
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chuyển đổi số y tế đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ người dân. Để thực hiện tốt chuyển đổi số y tế thì hành lang pháp lý và cơ chế tài chính đều phải sửa đổi. Đồng thời, trong điều kiện NSNN còn hạn hẹp, các đơn vị phải có cơ chế rõ ràng để thanh toán chi phí đối với các ứng dụng trong khám, chữa bệnh…
ĐĂNG KHOA