Ban hành Đề cương Kiểm toán việc quản lý nguồn nước sông Mê Công

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 20:45, 26/01/2021

(BKTO) - Mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký Quyết định số 81/QĐ-KTNN về việc Ban hành Đề cương Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).


                
   

KTNN Việt Nam tham gia khóa đào tạo của CAAF nhằm nâng cao năng lực cho kiểm toán viên tham gia kiểm toán công tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công

   

Đề cương kiểm toán nêu rõ, mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với nguồn nước lưu vực sông Mê Công tại Việt Nam, gắn với việc thực hiện các SDG quốc gia; đánh giá việc tuân thủ các cam kết quốc tế trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các SDG quốc tế.

Tương ứng với hai mục tiêu trên, Đề cương xác định các nội dung và tiêu chí kiểm toán, cụ thể như: trách nhiệm của các cơ quan quản lý có thẩm quyền trong công tác quản lý nguồn nước sông Mê Công; ảnh hưởng của việc quản lý, khai thác và sử dụng nước lưu vực sông Mê Công tại Việt Nam đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Kiểm toán việc thực hiện cam kết về sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công và Chiến lược phát triển hạ lưu vực sông Mê Công giai đoạn 2016-2020; việc thực hiện mục tiêu cụ thể 6.5 thuộc SDG6 của Liên Hợp Quốc liên quan đến quản lý nguồn nước lưu vực sông.

Về tổ chức thực hiện, KTNN Việt Nam giao KTNN chuyên ngành III chủ trì cuộc kiểm toán; trình Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập Đoàn kiểm toán; hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cùng tham gia kiểm toán; tổng hợp kết quả và lập báo cáo kiểm toán cho cả cuộc kiểm toán; tổ chức thẩm định, xét duyệt, thông báo và phát hành báo cáo kiểm toán theo quy định của KTNN Việt Nam.

Các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Myanmar và Thái Lan cùng với Việt Nam thực hiện kiểm toán theo hình thức song song và tuân thủ theo Hướng dẫn 9000 - Các cuộc kiểm toán hợp tác giữa các SAI và các ISSAI khác có liên quan. Trong đó, các SAI được mong đợi sẽ thực hiện cuộc kiểm toán với cùng chủ đề, mục tiêu, nội dung, còn tiêu chí kiểm toán sẽ do mỗi SAI lựa chọn.

Các SAI có thể sử dụng tư vấn chuyên môn từ chuyên gia về kiểm toán môi trường và kiểm toán việc thực hiện các SDG đến từ KTNN Indonesia. Riêng KTNN Việt Nam có sự hỗ trợ của chuyên gia về kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường đến từ Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF), Ngân hàng Thế giới (WB).

THÙY LÊ