Doanh nghiệp cần thích ứng để phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 09:15, 26/01/2021
(BKTO) - Thời gian qua, hàng trăm nghìn DN đã dừng hoặc tạm dừng hoạt động, một phần là do Covid-19, nhưng một phần không nhỏ khác là do chính sức khoẻ của DN không vượt qua “ngưỡng chống đỡ”. Với các DN đã vượt qua ngưỡng, việc vừa ứng phó, phục hồi, vừa phát triển, lại thêm bước chuyển đổi số sẽ tạo ra nội lực đủ mạnh để có thể trụ vững trong thời gian tới.
DN Việt trong năm 2021, bên cạnh ứng phó, phục hồi thì cần phải thích ứng để phát triển Ảnh: TTXVN
Kỳ vọng vào đột phá cải cách thể chế
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021, 51% DN tham gia khảo sát kỳ vọng Chính phủ sẽ có đột phá trong cải cách thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng. Còn tại Diễn đàn CEO do Hội DN Việt Nam tổ chức với hơn 1.000 CEO tham gia, rất nhiều DN đã nói rằng chưa cần thêm gói cứu trợ thứ 2 của Chính phủ trước khi họ được tháo gỡ về cơ chế, bởi nội lực của DN đôi khi đang bị mắc lại ở một vài điểm do cơ chế. Như vậy, kỳ vọng về đột phá cơ chế của DN không chỉ trong giai đoạn Covid-19 hay trong ngắn hạn, mà là trong mọi thời kỳ nhằm đảm bảo các chính sách của Chính phủ được đưa vào thực tế nhanh, phù hợp và hiệu quả nhất.
Thực tế chính sách thường đi sau hơi thở thị trường và DN. Vậy đột phá cải cách thể chế trong thời gian tới cụ thể là gì? Câu trả lời ở đây là triển khai luật và quy định trong luật. Năm 2021 sẽ có 5 luật đồng thời có hiệu lực, trong đó có 3 luật rất đặc biệt là Luật DN, Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán được sửa đổi hướng đến quản trị công ty và cơ hội đầu tư bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài. Hiện giờ, các DN đang trông chờ thời điểm các luật này có hiệu lực và tìm cách để có đủ nội lực chống đỡ qua giai đoạn khủng hoảng.
Với tư cách vừa là đơn vị nghiên cứu, vừa có chức năng tư vấn DN, Deloitte xác định “ngưỡng chống đỡ” ở đây chính là hệ quản trị công ty - một trong những thước đo của DN trong thời gian tới. Đặc biệt, khi 3 luật trên có hiệu lực, các DN sẽ có “thuận lợi kép” để phát triển, các nhà đầu tư được tiếp cận với nguồn vốn thông qua nhiều kênh đầu tư khác, bên cạnh kênh truyền thống là ngân hàng, chứng khoán. Nếu 3 luật được thực thi đồng bộ, kịp thời thì điều này sẽ tạo lực đỡ tốt cho thị trường vốn nói chung và các DN khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.
Thay đổi tư duy về quản trị
Trong giai đoạn khủng hoảng do Covid-19, một số từ khoá được các DN gọi tên mới hoặc gọi tên lại, chẳng hạn như từ khoá “tính hoạt động liên tục”. Một trong những yếu tố tối thiểu đảm bảo hoạt động liên tục là dòng tiền, nhưng trong giai đoạn khủng hoảng, với DN sản xuất, tính hoạt động liên tục còn dựa trên việc cân nhắc một cách hợp lý về vốn lưu động. Có thể xem năm 2020 là một bài học kinh nghiệm đắt giá đối với DN, bởi câu chuyện về vốn lưu động, hàng tồn kho, xuất kho nhằm đảm bảo tính linh hoạt của dòng tiền là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, không chỉ khối ngân hàng, tài chính mà nhiều DN đã đưa ra khung quản trị rủi ro nhằm đảm bảo khi rủi ro xảy ra, chi phí bù đắp rủi ro thấp hơn lợi ích DN nhận lại. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, chúng ta đã có riêng một khung về quản trị khủng hoảng và các DN Việt Nam bắt buộc phải đưa quản trị rủi ro vào bộ quản trị DN, bên cạnh quản trị minh bạch và quản trị hoạt động.
Năm 2020, khủng hoảng lớn nhất đối với các DN có lẽ là tinh thần của người lãnh đạo. Trong phát triển quản trị, tư tưởng của nhà lãnh đạo, tư tưởng về kinh doanh rất quan trọng và sự kiên tâm của lãnh đạo là yếu tố hàng đầu. Bởi vậy, khi khủng hoảng xảy ra, kẻ tồn tại không phải kẻ mạnh nhất mà là kẻ thông minh nhất.
Hiện nay, quản trị DN đã có một bộ chỉ số riêng về thích nghi được đo lường một cách cụ thể và DN Việt trong năm 2021 bên cạnh ứng phó, phục hồi thì cần phải thích ứng để phát triển. Thực tế, phát triển là quy luật sinh tồn, có DN sinh ra, DN mất đi và DN tiếp tục tồn tại. Trong điều kiện của năm 2021, tư duy mới về quản trị đang là điểm sáng đối với DN.
HÀ THỊ THU THANH
Chủ tịch Deloitte Việt Nam
THÙY LÊ (ghi)