Để Việt Nam đứng hàng đầu về sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản
Kinh tế - Ngày đăng : 10:15, 26/01/2021
(BKTO) - Năm 2020, mặc dù tác động của dịch Covid-19 nhưng sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã vượt kế hoạch, đạt 13,17 tỷ USD. Năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản đặt mục tiêu thu về 14 tỷ USD, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó phải đẩy mạnh phòng, chống gian lận thương mại, tạo cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu.
Năm 2020, sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ảnh minh họa
Nhiều cơ hội sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản
Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020 đạt khoảng 13,17 tỷ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 đạt khoảng 2,58 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp; xuất siêu ước cả năm đạt 10,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2019 - cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt, giữ vững uy tín và mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là tại 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Trung Quốc.
Nhận định về cơ hội của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản trong giai đoạn mới, Bộ NN&PTNT cho biết, thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới là rất lớn, khoảng 450 tỷ USD giá trị thương mại/năm; trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ nội thất bằng gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 6% thị phần toàn cầu nên các DN có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Ngoài ra, các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao.
Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: viên nén, dăm gỗ, gỗ dán, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất… Đặc biệt, nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. Cùng với đó, các hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản và các hiệp định thương mại khác đang là cơ hội cho ngành chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu.
Đẩy mạnh phòng, chống gian lận thương mại
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2020, ngành gỗ không chỉ duy trì tăng trưởng xuất khẩu mà còn vượt kế hoạch, đóng góp lớn cho tăng trưởng của cả ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những thách thức đó là cạnh tranh thương mại toàn cầu ngày càng gay gắt. Hàn Quốc và Mỹ là hai thị trường ngành gỗ xuất khẩu nhiều nhất giờ đều bị “giơ thẻ”" (tức là điều tra chống lẩn tránh thuế). Đây là điều hết sức nguy hiểm cần phải lưu ý.
Liên quan đến các giải pháp ngăn chặn việc bị điều tra chống lẩn tránh thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho rằng, nhiều năm nay, ngành lâm nghiệp đã đưa các giải pháp nói không với gỗ bất hợp pháp trong chiến lược, kịch bản chỉ đạo, phát triển của ngành. Tuy nhiên, ông Điển vẫn bày tỏ mối lo về việc DN nước ngoài đầu tư chui, núp bóng để giả mạo xuất xứ gỗ Việt Nam rồi xuất khẩu. “Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ không tránh khỏi hàng nước ngoài trà trộn, giả mạo xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu, hưởng thuế suất 0%. Đây là nguy cơ cực kỳ lớn, nếu bị đối tác phát hiện, ngành gỗ sẽ bị áp thuế từ vài chục tới hàng trăm lần. Vì vậy, các DN Việt Nam tuyệt đối không tiếp tay cho hành động này, phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn tận gốc vấn đề này” - ông Điển cảnh báo.
Tại Hội nghị Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là chế biến - xuất khẩu gỗ có rất nhiều tiềm năng lợi thế và cơ hội để phát triển trở thành ngành chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới và khu vực, Phó Thủ tướng đề nghị, trong giai đoạn tới, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án kiểm kê rừng theo Nghị quyết số 118/NQ-CP, Chiến lược và Quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng ngành chế biến gỗ. Trong đó, xây dựng Trung tâm triển lãm thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ có tầm cỡ khu vực và thế giới; xây dựng một số khu lâm nghiệp công nghệ cao để thu hút, khuyến khích DN đầu tư sản xuất, chế biến lâm sản phù hợp với lộ trình, mục tiêu tăng trưởng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, hỗ trợ DN tổ chức phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu gỗ Việt và tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại, phòng, chống gian lận thương mại trong hoạt động xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản tạo cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu...n
LÊ HÒA