Thúc đẩy hỗ trợ tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Kinh tế - Ngày đăng : 10:35, 26/01/2021
(BKTO) - Sau hơn 3 năm triển khai hỗ trợ tài chính từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá, kết quả ban đầu khá tích cực khi nhiều DN nhận được nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đã hoạt động hiệu quả, gia tăng lợi nhuận, tạo thêm việc làm cho người lao động. Đặc biệt, nhiều DN sử dụng vốn vượt kỳ vọng và đã thực hiện trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn điều lệ do NSNN cấp cho Quỹ còn được coi là vốn “mồi” để thu hút các nguồn lực khác cùng hỗ trợ cho DNNVV.
DNNVV đóng vai trò hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh tư liệu
Doanh nghiệp nhỏ và vừacần được hỗ trợ
Tại nhiều nước trên thế giới, số lượng các DNNVV thường chiếm đa số trong tổng số các DN đang hoạt động với tỷ lệ chiếm từ 90 - 98%. Do đó, nhiều quốc gia đánh giá rất cao vai trò của các DNNVV. Bên cạnh đó, cộng đồng DNNVV còn là chủ thể của các phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự hòa nhập của nền kinh tế, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, hiện nay, DNNVV tại Việt Nam cũng chiếm khoảng 98,1% trong tổng số hơn 800.000 DN đã đăng ký hoạt động. Lực lượng này đóng vai trò hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, tham gia huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Ước tính hằng năm, các DNNVV tạo ra trên 1 triệu việc làm mới, sử dụng khoảng 5 triệu lao động toàn xã hội, đóng góp khoảng 45% GDP của cả nước và 31% tổng thu NSNN.
Nhằm hiện thực hóa đường lối, chính sách của Đảng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, hỗ trợ tối đa cho các DNNVV. Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá, các luật về đầu tư, kinh doanh đã được Quốc hội thông qua, đặc biệt là Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, đã tạo bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho DNNVV Việt Nam. Hàng loạt chính sách hỗ trợ đa chiều như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng; phát triển nguồn nhân lực; tư vấn quản trị kinh doanh, công nghệ; đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị… đã được triển khai mạnh mẽ.
Liên quan đến mục tiêu giải quyết bài toán khó khăn về tiếp cận vốn cho DNNVV, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ Phát triển DNNVV thuộc Bộ KH&ĐT với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng nhằm triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển DNNVV. Để triển khai thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV, ngày 10/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV với chức năng cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV.
Cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để vượtkhó khăn
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, cũng như hoạt động của các DN, nhất là các DNNVV, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra là đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh. Theo đó, từ tháng 6/2020, Quỹ Phát triển DNNVV đã giảm lãi suất cho vay về mức 2,16% đối với cho vay ngắn hạn và 4% đối với cho vay trung, dài hạn.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, đây là mức lãi suất hỗ trợ rất ưu đãi cho các DNNVV để phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển. Qua đó khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường hỗ trợ cho DNNVV phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh, vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Trong bối cảnh Covid-19, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được các dòng tài chính quốc tế. Sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng đang tạo ra những cơ hội mới cho DN Việt Nam để sáp nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam - cho rằng, cần phải có hiểu biết sâu rộng về hệ sinh thái tài chính cho DNNVV ở Việt Nam và vai trò chiến lược của kênh cho vay từ nguồn Quỹ Phát triển DNNVV để có thể tăng cường nguồn vốn nội địa, bao gồm cả nguồn vốn từ khu vực công và nguồn vốn từ khu vực tư nhân để đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của các DNNVV.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Caitlin Wiesen đề nghị, Quỹ Phát triển DNNVV nên tập trung cho vay các dự án phát triển và phục hồi xanh của các DNNVV. Trong đó phải làm rõ các nhóm đối tượng, các tiêu chí để đảm bảo các mô hình kinh doanh và sản phẩm thực sự “xanh”.
Theo bà Caitlin Wiesen, ở tầm vĩ mô, xây dựng một nền kinh tế xanh mang đến cơ hội quan trọng cho những DN tân tiến để chạm đến nguồn tài chính xanh. Vì vậy, Chính phủ nên tăng cường giới thiệu các chương trình tài chính đổi mới, như trái phiếu xanh, chương trình mua bán carbon để DNNVV có thể tiếp cận các nguồn tài chính mới. Việc ban hành những hướng dẫn và tiêu chí chi tiết, minh bạch sẽ tiếp thêm sự tự tin cho các DNNVV, thúc đẩy họ tiếp cận với Quỹ Phát triển DNNVV, tích cực đầu tư vào các dự án giàu tiềm năng, cũng như tăng cường chia sẻ hỗ trợ tài chính từ các nguồn tín dụng khác.
PHÚC KHANG