Phát triển chuỗi giá trị toàn cầu - nội lực đóng vai trò quyết định
Đối nội - Ngày đăng : 20:43, 28/01/2021
(BKTO) - Để có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần bám sát quan điểm xuyên suốt của Đảng: “Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định”.
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, trong giai đoạn 10 năm 2011-2020, công nghiệp đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước -Ảnh: Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng |
Đồng chí Trần Tuấn Anh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương – nhấn mạnh vấn đề trên trong phiên thảo luận tại Hội trường về văn kiện Đại hội XIII của Đảng, sáng 28/01.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO).
Việt Nam trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.
Trong giai đoạn chiến lược 10 năm 2011-2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới…
Tuy nhiên, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn thừa nhận: Sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp.
Động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là hệ quả của mối liên kết yếu giữa DN FDI với các DN trong nước trong chuỗi cung ứng, cho thấy năng lực cạnh tranh còn hạn chế của các DN trong nước để có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tính bền vững trong phát triển sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp hơn, nhanh hơn và khó đoán định hơn trước.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là một minh chứng điển hình cho tác động đa chiều đối với nền kinh tế Việt Nam, khi chúng ta cùng lúc gặp cả khó khăn, đứt gãy về thị trường đầu ra cho xuất khẩu, bị đứt gãy nguồn cung phục vụ cho sản xuất trong nước.
Chi phí thương mại của Việt Nam vẫn đang còn ở mức cao, cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics, chi phí tuân thủ các quy định tại cửa khẩu và sau khi thông quan, làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Để nâng cao vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển bền vững, theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Việt Nam cần bám sát quan điểm xuyên suốt của Đảng: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định".
Trong đó, các định hướng lớn cần tập trung thực hiện là:
Tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển mạnh trong các ngành, lĩnh vực.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh.
Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu…
ĐỨC THÀNH