Quyết tâm kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện

Đối nội - Ngày đăng : 17:00, 18/05/2017

(BKTO) - Được ví như “Hội nghị Diên Hồng” - Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với DN với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” đã diễn ra ngày 17/5 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đông đảo lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; các Hiệp hội DN, Hiệp hội ngành hàng và 2.000 DN thuộc mọi thành phần kinh tế, hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.


Ngay trong lời khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tái khẳng định quyết tâm tháo gỡ các rào cản, hỗ trợ cho sự phát triển của DN trong bối cảnh sau 1 năm Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 được ban hành. “Chúng ta gặp nhau lần thứ hai để bàn kế hoạch hành động trong thời gian tới, để có sự bứt phá trong việc phát triển DN. Chính phủ cần nhận được những ý kiến thẳng thắn của các đại biểu - những người hằng ngày trải nghiệm và hiểu rõ môi trường cạnh tranh này” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.Ảnh: TTXVN

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP do ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - trình bày nêu rõ: Nghị quyết ban hành được cộng đồng DN đánh giá cao, tích cực hưởng ứng và mong muốn Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều Bộ, ngành, địa phương triển khai sớm, hiệu quả, quyết liệt, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chậm triển khai thực hiện, hoặc triển khai còn mang tính hình thức. Điều này dẫn tới tình trạng “nóng trên” nhưng “lạnh dưới” làm giảm hiệu quả và tác động của Nghị quyết tới môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN một cách kịp thời.

Tổng hợp ý kiến của các DN, đại diện VCCI cho biết: Nhiều DN đang phải vật lộn với khó khăn do chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh ở Việt Nam; chi phí thuê mặt bằng kinh doanh trong nước quá cao gây khó khăn cho các DN nhỏ và vừa; rủi ro vay nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn đang gây sức ép cho DN; Thuế Nhập khẩu đối với một số nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành và năng lực cạnh tranh của DN; DN vẫn phải trả các chi phí không chính thức, nhất là khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe hàng chục ý kiến của các đại biểu đến từ các DN, hiệp hội, trong đó nêu bật những kiến nghị xoay quanh các vấn đề: giảm gánh nặng chi phí cho DN, những thủ tục làm khó DN, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, cải thiện tính minh bạch trong diễn giải luật pháp, cấu trúc lại thị trường bán lẻ, liên kết DN trong nước với DN FDI để tận dụng lợi thế của nhau, tìm đầu ra cho nông sản… Tiếp đó, một số lãnh đạo Bộ, ngành đã lần lượt giải đáp những vướng mắc, kiến nghị của các DN.

Trước những ý kiến của các đại biểu về tình trạng DN phải chịu thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp và quá nhiều lần trong một năm, Thủ tướng tuyên bố: Ngay trong chiều 17/5, Chỉ thị số 20 đã được ký ban hành với nội dung yêu cầu các cơ quan không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Bên cạnh đó, Thủ tướng chuyển tải tới cộng đồng DN thông điệp: Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện để nhà đầu tư, DN yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Sau khi đề cập đến những kết quả đạt được trong 1 năm qua, Thủ tướng kết luận: Chính phủ đã nhận diện được những vấn đề đang cản trở sự phát triển của DN mà các DN, Hiệp hội DN đã nêu. Thứ nhất, về thể chế, chính sách vẫn chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Thứ hai là thuế, phí còn cao. Thứ ba là thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép kinh doanh còn gây khó khăn cho DN. Thứ tư là tiếp cận tín dụng; giao dịch đảm bảo chưa tạo điều kiện cho người dân và DN phát huy tài sản đảm bảo để thế chấp, tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi về những giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt: Một là, tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật. Chính phủ sẽ hoàn thiện, trình Quốc hội các dự án luật, trong đó có dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành; đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi quy định các loại thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các Bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện; tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho DN. Hai là, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam.


HỒNG THOAN