Nâng cao toàn diện hoạt động, phát huy vai trò công cụ kiểm tra, giám sát hữu hiệu của Đảng, Nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:15, 23/02/2021
(BKTO) - Năm 2020 khép lại với những tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 lên mọi mặt kinh tế - xã hội của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Không tránh khỏi những tác động, ảnh hưởng đó, nhưng KTNN đã chủ động ứng phó linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực với quyết tâm cao nhất để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đã đề ra. Trên cơ sở đó, KTNN tiếp tục vững tin sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo công tác của KTNN nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tại Phiên họp thứ 52 của UBTVQH. Ảnh: Trọng Đức
Chủ động cùng cả nướcứng phó với tác động củađại dịch Covid-19
Ngay từ cuối năm 2019, KTNN xác định rõ năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước và với ngành KTNN. Để phát huy tối đa thế mạnh, đóng góp nhiều nhất cho đất nước thông qua thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành, KTNN đã quyết liệt thực hiện đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kiểm toán; quyết liệt hoàn thành thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
100% các cuộc kiểm toán sau khi kết thúc đều được đánh giá, chấm điểm, bình xét và xếp loại đối với từng kiểm toán viên, tổ trưởng tổ kiểm toán và trưởng đoàn kiểm toán. Trên cơ sở này, lãnh đạo KTNN đã đánh giá năng lực và bình xét thi đua, quyết định khen thưởng 16 cuộc kiểm toán chất lượng vàng năm 2020. Điều này vừa tạo động lực làm việc, vừa góp phần tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán. |
Đồng thời, để tạo điều kiện cho các DN khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, các đoàn kiểm toán không thực hiện đối chiếu nghĩa vụ thuế tại các DN thuộc Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2020. Đây là những điểm khác biệt, đổi mới so với các năm trước, góp phần hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra; giảm thiểu sự phiền hà đối với các đối tượng được thanh tra, kiểm toán; cùng với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn cách ly, giãn cách xã hội.
Trong từng thời điểm cụ thể, lãnh đạo KTNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán đảm bảo phù hợp với tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Do đó, tuy tình hình quốc tế và trong nước có những biến động phức tạp do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện tới hoạt động kinh tế - xã hội và công tác kiểm toán, song với tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, KTNN đã hoàn thành toàn diện Kế hoạch công tác năm 2020 với nhiều kết quả nổi bật.
KTNN đã nỗ lực với quyết tâm cao nhất để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác năm 2020. Ảnh tư liệu
Số kiến nghị xử lý tài chínhcao trong bối cảnh giảm mạnh số cuộc kiểm toán
Bám sát định hướng của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chú trọng vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, quá trình xây dựng KHKT năm 2020 của KTNN được thực hiện chủ động, đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai. Đặc biệt, để phù hợp với tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN đã quyết liệt cắt giảm số cuộc kiểm toán, cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán so với năm 2019. Cụ thể, KTNN đã cắt giảm 30% số cuộc kiểm toán và số lượng đầu mối, đơn vị hoặc chủ đề kiểm toán, để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.
Sáng kiến của KTNN Việt Nam thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững được đánh giá là đề xuất tiên phong của ASOSAI trong cộng đồng INTOSAI. ASOSAI cũng đã thống nhất kiểm toán quốc tế việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công vì sự phát triển bền vững do KTNN Việt Nam chủ trì; khẳng định KTNN có đóng góp quan trọng thúc đẩy vai trò của ASOSAI trong việc hỗ trợ các thành viên ứng phó với đại dịch Covid-19 và các vấn đề mới nổi... |
Tổng hợp kết quả kiểm toán đến ngày 04/01/2021, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 60.035 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 4.965 tỷ đồng, giảm chi NSNN 13.836 tỷ đồng, kiến nghị khác là 41.234 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.
Qua kiểm toán, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, như: Cơ chế quản lý và sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn, thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng... KTNN cũng đã chủ động gửi UBTVQH, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội “Báo cáo ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, dự toán NSNN năm 2021 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021” để Quốc hội xem xét, quyết định.
Nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Ảnh tư liệu
Tích cực góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong năm 2020, KTNN đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 131 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra giám sát; tổng hợp, báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Tính đến ngày 31/12/2020, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính 59.332 tỷ đồng, đạt 73,4% - cao hơn cùng kỳ năm 2019 (đạt 71,8%).
Giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, hiệu quả
Cần phải khẳng định, để đạt được những kết quả kiểm toán nổi bật nêu trên trong điều kiện của dịch bệnh Covid-19, Ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo KTNN đã có những giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành quyết liệt và đồng bộ, cùng với đó là sự nỗ lực không ngừng, quyết tâm cao độ của toàn thể cán bộ, công chức, kiểm toán viên... trong Ngành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán.
Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo KTNN là bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, quan tâm thực hiện kiểm toán các vấn đề nổi cộm, nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; tập trung đánh giá về cơ chế, chính sách, qua đó kịp thời kiến nghị khắc phục, hoàn thiện, bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách; đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, truy thu số tiền chi sai, thu chưa đủ, giảm chi với số lượng lớn; quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Năm 2020 cũng để lại dấu ấn đặc biệt khi KTNN đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, UBTVQH đã ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), trong đó xác định 3 trụ cột phát triển của KTNN là khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực, công nghệ và 7 nội dung chính nhằm phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng NSNN, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Song song với việc chỉ đạo, điều hành công tác tổ chức cán bộ một cách khoa học, hợp lý giúp phát huy năng lực của từng cá nhân, tập thể, lãnh đạo KTNN cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo, bồi dưỡng trong nước, lãnh đạo KTNN còn chú trọng mở rộng hợp tác và phối hợp tốt với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới trong công tác tập huấn, đào tạo cán bộ, công chức, KTV nhằm nâng cao năng lực cho KTNN, đặc biệt là trong các lĩnh vực kiểm toán mới.
Trong tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động đối ngoại, KTNN vẫn bám sát Kế hoạch hành động thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI để đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2018-2021 và tổ chức thành công cuộc họp trực tuyến Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55.
Quyết tâm thực hiệnthắng lợi nhiệm vụnăm 2021
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong trạng thái “bình thường mới”, KTNN xác định phương hướng năm 2021 là: “Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; tập trung nâng cao năng lực, đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán, có giải pháp khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19; tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động kiểm toán để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, tiếp tục khẳng định vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 của KTNN; tăng cường đào tạo nhân lực, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.
Cụ thể hóa định hướng trên, KTNN xác định rõ 9 nhiệm vụ trọng tâm và 10 giải pháp chủ yếu. Trong đó, KTNN quyết tâm tổ chức thực hiện 181 cuộc kiểm toán năm 2021 đảm bảo tiến độ, kết quả, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện phương pháp quản lý hoạt động kiểm toán, cải cách hành chính, phát triển và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán. Một mặt, KTNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp để chấn chỉnh, uốn nắn, phòng ngừa và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Quốc hội. Mặt khác, KTNN sẽ tập trung thực hiện kiểm toán đối với các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.
Song song với đó, KTNN sẽ triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 để xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 10 năm tới. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN, Nghị quyết của Đảng ủy KTNN về “Lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động của Ngành”; xây dựng và áp dụng các phần mềm kiểm toán và phần mềm quản lý điều hành; ứng dụng công nghệ siêu âm, giám định chất lượng, công nghệ viễn thám... vào hoạt động kiểm toán nhằm mang lại hiệu quả cao.
Để triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2021 đảm bảo khoa học, hiệu quả, KTNN sẽ bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, chủ động phối hợp và kịp thời cung cấp các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan T.Ư và các địa phương trong hoạt động kiểm toán, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật.
Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua công tác tổ chức cán bộ, đào tạo - bồi dưỡng theo kế hoạch đã đề ra..., KTNN chú trọng tăng cường các giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự trọng nghề nghiệp, tính gương mẫu, liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gắn với việc nắm bắt tình hình, theo dõi, kiểm tra và giám sát ở tất cả các cấp quản lý; xử lý nghiêm những cá nhân và người liên quan nếu xảy ra sai phạm, nhất là tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng “tham nhũng vặt”, sách nhiễu, gây khó khăn cho đơn vị được kiểm toán, bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán.
Dự báo việc triển khai kế hoạch đối ngoại năm 2021 của KTNN trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể vẫn sẽ ảnh hưởng lớn đến cả trong nước và quốc tế, do đó, KTNN sẽ nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động hợp tác quốc tế để thực hiện thắng lợi vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021; điều hành chu đáo, an toàn và thành công Đại hội ASOSAI 15, hoàn thành chuyển giao vai trò Chủ tịch ASOSAI cho KTNN Thái Lan; triển khai cuộc kiểm toán hợp tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công; giữ vững và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các SAI chiến lược...
Có thể thấy rõ, nhiệm vụ công tác năm 2021 của KTNN hết sức nặng nề, đầy thách thức, đòi hỏi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nỗ lực phấn đấu, quyết liệt thực hiện thắng lợi, toàn diện kế hoạch công tác đề ra.
Năm 2021, KTNN tập trung kiểm toán việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 08/4/2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; việc thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019; quản lý giá điện, giá xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm… |
TS. Hồ Đức Phớc
Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước
Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước