Hoạt động Kiểm toán Nhà nước năm 2020 - Những dấu ấn nổi bật

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:10, 01/02/2021



1. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển KTNNđến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030)

Ngày 16/9/2020, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký ban hành Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).

Với mục tiêu phát triển KTNN trở thành công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, Chiến lược xác định 3 trụ cột phát triển: khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ. Chiến lược cũng cụ thể hóa 7 nội dung chính: khuôn khổ pháp lý; hệ thống tổ chức bộ máy; nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng kiểm toán; hội nhập, hợp tác quốc tế; phát triển cơ sở vật chất và công nghệ thông tin, công nghệ cao; nâng cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng NSNN, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

2. Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VII và Đại hội Thi đuayêu nước KTNN lần thứ IV

Năm qua, Đảng bộ KTNN đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 với chủ đề “Kỷ cương - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Đổi mới và Hội nhập”. Diễn ra từ ngày 03 - 04/8/2020, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 35 đồng chí và đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan T.Ư lần thứ XIII. Sau Đại hội, Đảng ủy KTNN đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề và Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong năm, KTNN cũng đã tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV vào ngày 02/10. Theo đó, giai đoạn 2015-2020, KTNN có 15 lượt tập thể, 82 lượt cá nhân được Nhà nước và Chính phủ tặng các danh hiệu và phần thưởng cao quý; 73 cuộc kiểm toán xuất sắc đạt chất lượng vàng, được tặng Bằng khen của Tổng Kiểm toán Nhà nước kèm theo Cúp và phần thưởng theo quy định.

3. Nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, kết quả kiểm toán đạt cao, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt kết quả tốt

Năm 2020, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, kiểm toán viên, đến ngày 31/12/2020, toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành 174 cuộc kiểm toán, đảm bảo mục tiêu, tiến độ, phát hành báo cáo kiểm toán theo đúng quy định.

Tổng số kiến nghị xử lý tài chính đến ngày 04/01/2021 là 60.035 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 4.965 tỷ đồng, giảm chi NSNN 13.836 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác là 41.234 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể và cá nhân; kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều bất cập trong quản lý và sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn, thực hiện hợp đồng BT, BOT; quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản...

Để kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động kiểm toán, năm 2020, lãnh đạo KTNN đã tặng Bằng khen và Cúp vàng cho 16 cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng.

Cùng với đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đến ngày 31/12/2020, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 59.332 tỷ đồng/80.791 tỷ đồng tổng số kiến nghị đủ bằng chứng kiểm toán (đạt 73,4%) cao hơn cùng kỳ năm 2019 (đạt 71,8%).

4. Hoàn thiện hành lang pháp luậttrong tổ chức và hoạt động của KTNNđể thực hiện Luật KTNN sửa đổi,bổ sung có hiệu lực

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Để đảm bảo chất lượng Kế hoạch triển khai thi hành Luật, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành quyết định thành lập 21 tổ soạn thảo văn bản thuộc Chương trình xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật, ký ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật và 2 văn bản quản lý. Đặc biệt, KTNN đã xây dựng Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 10/2020.

Bên cạnh đó, KTNN đã tham gia góp ý và thẩm định hơn 104 lượt dự thảo văn bản trong và ngoài Ngành, tham gia ý kiến hoàn thiện nhiều dự thảo luật quan trọng. Đáng lưu ý, nội dung kiến nghị bổ sung quy định về trách nhiệm thực hiện kiểm toán môi trường của KTNN đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

5. Tiếp tục thực hiện tốt vai tròChủ tịch ASOSAI và hợp tác quốc tếđạt hiệu quả cao

Trên cương vị Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), năm 2020, KTNN Việt Nam đã nỗ lực khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để tổ chức thành công Cuộc họp trực tuyến Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55. Tại Cuộc họp này, KTNN đã có nhiều sáng kiến được các thành viên Ban Điều hành thống nhất cao. Đó là sáng kiến thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy vai trò của ASOSAI trong việc hỗ trợ các thành viên ứng phó với đại dịch Covid-19 và các vấn đề mới nổi, đặc biệt là sáng kiến kiểm toán hợp tác việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Ngày 22/12, trong khuôn khổ của Cuộc họp trực tuyến khởi động triển khai cuộc kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công nêu trên, KTNN Việt Nam và 2 Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI): Thái Lan và Myanmar đã ký kết Tuyên bố cam kết kèm theo Điều khoản tham chiếu. Đây là khởi đầu tốt đẹp cho sự thành công chung của cuộc kiểm toán trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững, Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2016-2021, đồng thời khẳng định trách nhiệm, năng lực và vai trò ngày càng cao của ASOSAI, ASEANSAI (Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á) trong việc giải quyết những vấn đề môi trường đầy thách thức của khu vực.

6. Đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Xác định phòng chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ quan trọng của KTNN, nhất là trong hoạt động kiểm toán và quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN về kiểm toán phục vụ lãnh đạo, giám sát và PCTN...

Là thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo toàn Ngành tăng cường kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tập trung phát hiện sai phạm nhằm ngăn chặn, uốn nắn sai phạm, lệch lạc xảy ra; kiến nghị thu hồi tiền, tài sản nhà nước, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, Tổng Kiểm toán Nhà nước thường xuyên quán triệt, xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển ngay cho cơ quan điều tra, không được có hành vi che giấu vi phạm...

Năm 2020, KTNN đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 131 báo cáo kiểm toán, tài liệu có liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

7. Đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, tăng cường trách nhiệm giải trình

Năm 2020, KTNN đã cụ thể hóa các Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu thông qua việc hoàn thiện và ban hành Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, Quy trình kiểm toán của KTNN, các hướng dẫn kiểm toán trong từng lĩnh vực kiểm toán của KTNN, các đề cương kiểm toán chuyên đề...

KTNN đã đẩy mạnh áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm đến công tác lập KHKT từng cuộc kiểm toán. Do vậy, hầu hết KHKT của các đoàn kiểm toán đã phân tích, đánh giá sâu, đầy đủ các thông tin, tài liệu thu thập được, đánh giá đúng các rủi ro kiểm toán, từ đó xác định đúng trọng yếu kiểm toán; rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán; mở rộng lĩnh vực kiểm toán như: kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường, kiểm toán đất đai, khoáng sản, kiểm toán dự án PPP... đồng thời tăng cường kiểm toán hoạt động.

Trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành và yêu cầu toàn Ngành tiếp tục thực hiện nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác của cá nhân, tập thể trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán. Nhờ đó, chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng cao.

8. Ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán

Thực hiện Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin (CNTT) của KTNN giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, năm qua, KTNN tích cực triển khai các Dự án: Xây dựng nền tảng dữ liệu lớn và Hệ thống quản lý thông tin đơn vị được kiểm toán; Xây dựng nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu của KTNN với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của đơn vị được kiểm toán.

Đến nay, KTNN đã hoàn thành Trung tâm dữ liệu lớn, 20 phần mềm phục vụ hoạt động kiểm toán và quản lý, điều hành. Trong đó, riêng năm 2020, 4 phần mềm mới được đưa vào sử dụng gồm: Phần mềm Quản lý đào tạo, Phần mềm Quản lý khiếu nại kiểm toán, Phần mềm Quản trị và hỗ trợ người dùng, Phần mềm Hỗ trợ kiểm toán viên thực hiện kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực DN, ngân hàng.

Đặc biệt, KTNN đã đưa vào sử dụng Phần mềm Hỗ trợ quản lý điều hành trên thiết bị di động, giúp cán bộ, lãnh đạo KTNN xử lý văn bản, tra cứu thông tin pháp luật, kiểm tra, theo dõi hoạt động kiểm toán, áp dụng công nghệ viễn thám kiểm toán diện tích đất, sản lượng khoáng sản, siêu âm bê tông phần chìm...

Cùng với các dự án và phần mềm, ngày 17/6/2020, thư viện KTNN đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Với thiết kế hiện đại, ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, thư viện đã tạo lập một không gian chia sẻ kiến thức, cho phép công chức, viên chức, kiểm toán viên và bạn đọc tra cứu, học, đọc tài liệu về các vấn đề chuyên môn một cách chủ động mà không cần sự can thiệp của thủ thư, dù người đọc không có mặt tại trụ sở.

9. Linh hoạt điều hành hoạt động kiểm toán năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong tháng 3/2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã liên tiếp ban hành 5 văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán đảm bảo phù hợp với tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong từng thời điểm cụ thể.

Sau khi công tác phòng, chống dịch bước sang giai đoạn mới, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành các công điện về việc tổ chức thực hiện KHKT năm 2020 trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19 và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tập trung rà soát, cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán để đảm bảo các cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2020 kết thúc trước ngày 30/11/2020 nhưng phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán và không để xảy ra tiêu cực; các đoàn kiểm toán không thực hiện đối chiếu nghĩa vụ thuế tại các DN thuộc KHKT năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho các DN khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Với việc thực hiện các biện pháp này, KTNN đã góp phần cùng với Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn cách ly, giãn cách xã hội.

10. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh

Ngoài việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, năm 2020, công tác an sinh xã hội tiếp tục được lãnh đạo KTNN quan tâm, chỉ đạo thực hiện với nhiều phong trào thiết thực như: xây tặng 8 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại 7 tỉnh, giá trị hơn 400 triệu đồng; tặng 400 máy tính đã qua sử dụng cho 5 tỉnh nghèo giúp học sinh học CNTT; tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, thiện nguyện giúp đỡ trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo tại các địa phương, bệnh viện lớn của T.Ư và Hà Nội, những người già neo đơn, công chức, người lao động KTNN gặp khó khăn với giá trị gần 2,5 tỷ đồng.

KTNN đã tổ chức thăm, tặng quà cho các đoàn viên gặp khó khăn, tai nạn lao động, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân Tháng công nhân tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội; quyên góp, giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai mưa lũ với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Thông qua đó, toàn Ngành đã thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN đối với xã hội, cộng đồng.

(Do Báo Kiểm toán bình chọn)