Đặt mục tiêu kiểm toán để thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng
Đối nội - Ngày đăng : 10:55, 01/02/2021
(BKTO) - Đây là kỳ vọng của TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - trong cuộc trò chuyện đầu Xuân với phóng viên Báo Kiểm toán về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và ngành KTNN nói riêng.
TS. Nguyễn Đức Kiên
♦ Thưa ông, năm 2020 - năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2016-2020 vừa khép lại. Nhìn lại chặng đường vừa qua, ông có sự nhìn nhận, đánh giá như thế nào về thành quả mà chúng ta đã đạt được?
- Năm 2020 đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá là một năm tương đối thành công trong một điều kiện rất đặc biệt. Chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam lại bị một yếu tố không phải kinh tế là đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ và kéo dài như vậy. Đến bây giờ, sau 1 năm, tác động của dịch bệnh vẫn còn tiếp tục. Đây là nét đặc thù nhưng quan trọng, chúng ta thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn cho người dân, cho xã hội và giảm được đà suy giảm của nền kinh tế. Đây là thành công lớn nhất của năm 2020.
Nhìn lại giai đoạn 10 năm 2011-2020, có thể nói, chúng ta đã chọn được định hướng phát triển đúng, trong đó đã tái cơ cấu nền kinh tế và chọn ra 3 điểm đột phá là kết cấu hạ tầng, DNNN và ngân hàng/các tổ chức tín dụng. Đến bây giờ, công tác cơ cấu lại nền kinh tế, chọn mô hình mới của Việt Nam đã đi đúng hướng. Điều này thể hiện rất rõ trong bối cảnh năm 2020 khó khăn như thế nhưng nền kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 2,91%, nằm trong top những nước có tốc độ tăng trưởng dương của thế giới. Như vậy, chúng ta phải công nhận một điều, cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam rất linh hoạt và có thể tự phòng chống những tác động không mong muốn của thế giới. Điều này là do Việt Nam là 1 trong 10 nền kinh tế mở nhất trên thế giới.
♦ Bên cạnh thành quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc của năm 2020 mà chúng ta tiếp tục phải giải quyết trong năm 2021 và những năm tiếp theo là gì, thưa ông?
- Tôi cho rằng, vấn đề của năm 2020 đặt ra đối với nền kinh tế vĩ mô vẫn là hiệu quả sử dụng vốn, trong đó phải giảm hệ số ICOR (Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) xuống, tránh tình trạng thu hút đầu tư bằng mọi giá, nhất là việc các DN FDI đẩy hết phần chi phí ở Việt Nam còn lợi nhuận thì họ thu trong chuỗi giá trị. Với việc phân chia giá trong chuỗi giá trị của một sản phẩm toàn cầu, chúng ta không tác động được nhưng Việt Nam phải có những chính sách để hỗ trợ DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đó.
“Cá nhân tôi đánh giá, năng lực của đội ngũ cán bộ KTNN hiện nay so với nhiều ngành khác và so với mặt bằng chung là cao hơn. Tận dụng điểm mạnh đó như thế nào là bài toán đặt ra trong thời gian tới” - ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh. |
♦ Theo ông, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 là gì?
- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt vào Kỳ họp thứ 10, tháng 10/2020. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Như vậy, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 là cụ thể hóa những mốc mục tiêu chúng ta phải đặt được, trong đó, đặc thù của kế hoạch này là năm 2021 và năm 2022 là 2 năm để khôi phục lại nền kinh tế. Hy vọng sau 2 năm, nền kinh tế của Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng như cuối năm 2019.
♦ Có thể nói, thành công của Việt Nam trong năm 2020 không thể thiếu vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của KTNN trong năm vừa qua?
- Những năm vừa qua, đặc biệt trong năm 2020, KTNN có phản ứng rất nhanh đối với tình hình kinh tế đất nước. Khi kinh tế đất nước gặp khó khăn, KTNN đã có những thay đổi trong hoạt động kiểm toán thể hiện sự quan tâm đối với các DN, các đơn vị trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Phản ứng tương đối nhanh của các cơ quan nhà nước, trong đó có KTNN đã tạo niềm tin cho DN để họ thấy rằng, Chính phủ và các cơ quan nhà nước luôn luôn đồng hành với DN. Đây là điểm chúng ta phải ghi nhận trong công tác kiểm toán của KTNN năm vừa qua.
Với tư cách một người làm công tác nghiên cứu và tư vấn kinh tế, tôi cho rằng, công tác kiểm toán của KTNN phải đặt mục tiêu kiểm toán để thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng, tức là huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. KTNN phải xác định và tư vấn cho Nhà nước, đặc biệt cho Quốc hội công tác kiểm toán nên như thế nào và bắt đầu từ đâu để vừa đảm bảo việc quản lý nhà nước nhưng vẫn đảm bảo sự tự do, linh hoạt của thị trường cũng như tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường. Đây là điều tôi kỳ vọng ở KTNN.
♦ Vậy theo ông, trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, KTNN cần tập trung kiểm toán lĩnh vực nào để có thể đáp ứng được sự kỳ vọng của ông cũng như của Quốc hội và nhân dân?
- Tôi cho rằng, KTNN nên chọn những công trình, dự án có tính tổng thể và mục tiêu rõ ràng để hỗ trợ chính sách. Chẳng hạn, điện và DNNN, KTNN phải tập trung kiểm toán toàn bộ những lĩnh vực liên quan đến điện. Trong vòng 2 năm, KTNN phải xác định kiểm toán tất cả DNNN và những DN liên quan đến việc bán điện cho Nhà nước, mua điện của Nhà nước. Từ đó, chúng ta có tiếng nói chuẩn là giá điện như thế là thấp hay cao, giúp Chính phủ và Quốc hội điều hành giá điện để thị trường hóa thị trường điện, tạo sự đồng thuận của xã hội trong điều chỉnh giá điện, đồng thời tạo sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cùng Nhà nước đầu tư điện, các cơ sở phát điện theo mọi hình thức nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh kiến nghị xử lý tài chính, KTNN kiểm toán để góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách. KTNN là công cụ của Nhà nước giúp Chính phủ và Quốc hội điều hành nền kinh tế ở tầm vĩ mô. Đấy mới là mục tiêu cao nhất của KTNN.
Có thể nói, KTNN phải là trọng tài giữa Nhà nước với Nhà nước, giữa Nhà nước với DN, giữa Nhà nước, DN với người dân. Nhiệm vụ của Quốc hội không phải là thu hồi 5 tỷ, 10 tỷ hay 100 tỷ đồng từ các dự án của các Bộ, ngành, địa phương mà vấn đề là từ phát hiện của KTNN, Quốc hội soi rọi lại những điều đã ban hành, điều nào phải sửa. Đến một mức nữa, KTNN phải chỉ ra Nghị định của Chính phủ sai chỗ nào, phải sửa chỗ nào. Đấy mới là mong mỏi của Quốc hội và nhân dân đối với KTNN.
♦ Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, theo ông, yêu cầu đặt ra cho KTNN là gì?
- Theo tôi, quan trọng nhất là phải đổi mới nhận thức. Hiện nay, các cơ quan quản lý và các cơ quan kiểm tra, giám sát vẫn nhìn quá trình xử lý công việc theo thủ tục hành chính giấy. Bây giờ, khi kiểm toán, các giá trị hiện hành của một dự án sẽ rất khác. Chẳng hạn, người ta viết phần mềm thì khi kiểm toán, chúng ta tính định mức như thế nào? Lúc này, chúng ta phải xác định tri thức là một thị trường, là hàng hóa trên thị trường. Người bán là người viết phần mềm và có quyền định giá. Bởi vậy, nếu không thay đổi nhận thức thì rất khó làm việc.
Tôi nghĩ rằng, nếu thay đổi được nhận thức từ trên xuống dưới và chuyển thành giao tiếp hằng ngày khi đi kiểm toán, lắng nghe, trao đổi, tiếp thu ý kiến phản biện hay nghe giải trình có trách nhiệm của các đối tượng kiểm toán, từ đó phân biệt cái nào là chính xác, cái nào là bất cập do cơ chế để đưa ra những khuyến nghị cho đúng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
XUÂN HỒNG (thực hiện)