Cách mạng công nghiệp 4.0 và những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động kiểm toán nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:25, 01/02/2021
(BKTO) - Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kiểm toán nói chung và các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) nói riêng. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đặt ra cho các SAI khi kiểm toán trong môi trường công nghệ. Nhận thức được xu hướng này, những năm qua, KTNN luôn nỗ lực và chuẩn bị tốt nhất cho việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động cũng như phát triển loại hình kiểm toán này trong tương lai.
Công tác kiểm toán trong môi trường CNTT đang được quan tâm triển khai. Ảnh tư liệu
Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kiểm toán công nghệ thông tin
Theo Luật KTNN, đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, trong đó, tài nguyên số công như là một loại tài sản công. Tài nguyên số công bao gồm các hệ thống CNTT và các thông tin, dữ liệu về tài chính công, tài sản công hoặc hình thành từ nguồn đầu tư tài chính công phải được coi là tài sản công, thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN. Việc ứng dụng CNTT trong các đơn vị được kiểm toán, đặc biệt trong cuộc đua ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đòi hỏi KTNN và kiểm toán viên nhà nước phải có năng lực chuyên môn và kỹ thuật nhằm đánh giá việc kiểm soát các hệ thống CNTT của các đơn vị được kiểm toán, độ tin cậy của các thông tin tài chính, tính tuân thủ pháp luật, hiệu quả, hiệu lực và kinh tế của hệ thống CNTT. Đồng thời, kiểm toán viên cần hiểu được cách thức xây dựng, khai thác hiệu quả nguồn thông tin từ các cơ sở dữ liệu kiểm toán chuyên ngành được kế thừa từ các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác kiểm toán gắn với việc xây dựng tài nguyên số tại KTNN.
Những năm qua, KTNN rất coi trọng phát triển các ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động, bước đầu hoàn thành triển khai đầu tư cơ sở vật chất về CNTT gắn với đầu tư hệ thống thiết bị, hạ tầng CNTT và một số phần mềm căn bản. KTNN cũng từng bước xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT tương đối hoàn chỉnh, cơ bản, đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý, điều hành cũng như nhu cầu xử lý, giải quyết công việc hằng ngày của các đơn vị trực thuộc, đặc biệt các đoàn kiểm toán.
Công tác kiểm toán trong môi trường CNTT tại một số đơn vị cũng đã bước đầu được triển khai với nhiều kết quả rất tích cực. Thông qua kiểm toán CNTT, các đoàn kiểm toán đã có nhiều phát hiện mang tính đột phá, đi sâu phát hiện những lỗi hệ thống phức tạp của các đơn vị được kiểm toán, từ đó đưa ra các kiến nghị có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động quản lý nhà nước tại các đơn vị như: Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan… Đặc biệt, từ năm 2016, KTNN đã thành lập Phòng Kiểm toán CNTT với đội ngũ kiểm toán viên có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu về CNTT kết hợp với kiểm toán.
Nắm bắt xu thế để có định hướng và giải pháp phù hợp
Phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán và kiểm toán CNTT là xu thế tất yếu của các SAI. Trong bối cảnh đó, KTNN cần phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán và phát triển kiểm toán CNTT với 3 định hướng:
Đổi mới tư duy, nhận thức và phương thức kiểm toán từ kỹ thuật kiểm toán truyền thống sang kiểm toán trong môi trường CNTT, dựa trên CNTT, dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Cụ thể: Chuyển từ kiểm toán chủ đề độc lập sang kiểm toán liên kết nhiều chủ đề; chuyển từ kiểm toán từng phần sang kiểm toán toàn diện; chuyển từ kiểm toán tĩnh sang kiểm toán theo thời gian thực; thay đổi từ hậu kiểm sang kết hợp hậu kiểm, tiền kiểm và kiểm toán ngay khi vấn đề/dự án đang diễn ra…
Phát triển ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động, mọi giai đoạn của quy trình kiểm toán và triển khai kiểm toán CNTT đối với các đơn vị được kiểm toán đã ứng dụng CNTT phổ biến trong hoạt động của đơn vị.
Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ kiểm toán viên nhà nước.
Trên cơ sở các định hướng đó, KTNN cần cụ thể hóa các cơ sở pháp lý cho việc tiếp cận, tạo lập dữ liệu điện tử từ các đơn vị được kiểm toán theo quy định của Luật KTNN; xây dựng đội ngũ kiểm toán viên kiểm toán CNTT có trình độ cao, quản lý hệ thống CNTT, dữ liệu lớn, đảm bảo hạ tầng CNTT. Đồng thời, KTNN tăng cường trao đổi thông tin với đơn vị được kiểm toán dựa trên cơ chế phối hợp, hướng dẫn kiểm toán CNTT và kiểm toán dữ liệu lớn đảm bảo rút ngắn thời gian làm việc trực tiếp với đơn vị.
Việc đánh giá lại hoạt động và nghiên cứu đề xuất tổ chức bộ máy thực hiện kiểm toán CNTT phải đảm bảo phù hợp với bối cảnh phát triển kiểm toán CNTT. Cùng với đó là việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới (máy tìm kiếm thông minh trên kho dữ liệu số, các ứng dụng trên thiết bị di động, ứng dụng kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên rút trích thông tin tự động từ kho dữ liệu số của KTNN…); nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán CNTT, đặc biệt từ các SAI: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ...
PHAN TRƯỜNG GIANG
Phó Kiểm toán trưởng, KTNN chuyên ngành VII