Khát vọng dệt mùa xuân đất nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:30, 01/02/2021

(BKTO) - Những chặng đường trên hành trình công tác dài hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn cây số gắn với những địa danh như thách thức sự gan góc của con người, đều đã in dấu chân của kiểm toán viên (KTV) nhà nước... Vì mùa xuân của đất nước, vì sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia, các KTV đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đương đầu, vượt qua mọi cám dỗ để hoàn thành tốt trọng trách được giao.



Các KTV nhà nước được đào tạo từ nhiều ngành nghề khác nhau và phát huy được sở trường, thế mạnh khi tham gia công tác. Ảnh: LộcNguyễn

Trăn trở trước nhiệm vụđược giao

Những ngày đầu tháng Chạp, khi tiết xuân đã điểm bằng những làn mưa bụi, những cành đào hồng, đào phai khoe sắc khắp các ngả đường, góc phố, các KTV nhà nước vẫn miệt mài bên hồ sơ, tài liệu như thường nhật. Công việc cuối năm vốn đã bận, nay lại thêm dồn dập vì kế hoạch khảo sát, thu thập thông tin để lập kế hoạch kiểm toán (KHKT) chi tiết được các đơn vị kiểm toán triển khai sớm hơn mọi năm. Theo đó, để đảm bảo cho thực hiện nhiệm vụ kiểm toán diễn ra theo đúng kế hoạch, mang lại kết quả cao, sau khi KHKT năm của toàn Ngành chính thức được công bố, các đơn vị kiểm toán đã và đang gấp rút chuẩn bị cho KHKT chi tiết đối với từng cuộc kiểm toán.

Theo KTV Lê Thị Hoa Dung (KTNN chuyên ngành III), các năm trước, sau khi kết thúc cuộc kiểm toán cuối cùng của năm, đơn vị sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với các đoàn kiểm toán để chuẩn bị tốt hơn cho KHKT năm sau. Các công việc liên quan đến công tác kiểm toán của năm thường bắt đầu sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhờ chủ động sắp xếp được thời gian, mặt khác, để có thêm sự chuẩn bị cho việc triển khai kiểm toán đạt hiệu quả cao nhất, lãnh đạo đơn vị quyết định đẩy sớm kế hoạch khảo sát. Cụ thể, ngay từ tháng 1, nhiều đoàn khảo sát đã bắt tay vào việc thu thập thông tin. Công việc của KTV đến thời điểm này vì thế mà vẫn bộn bề. “Tâm lý chung là ai cũng muốn hoàn thành tốt phần việc được giao, đảm bảo mang lại kết quả tốt nhất để phục vụ cho các đoàn kiểm toán thực hiện nhiệm vụ kiểm toán sau đó” - nữ KTV cho biết.

Dù mới hết chế độ thai sản song với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, KTV Nguyễn Lê Ngọc Anh (KTNN khu vực XI) đã hăng hái, tích cực bắt tay vào công việc chuẩn bị cho kế hoạch khảo sát theo yêu cầu của lãnh đạo đơn vị. Tuy nhiên, khác với nhiều năm trước, việc triển khai khảo sát, thu thập thông tin cũng có nhiều thay đổi với yêu cầu đặt ra cao hơn, có độ khó hơn. Theo nữ KTV, xuất phát từ yêu cầu đổi mới hoạt động kiểm toán, trong đó chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu tiếp xúc với đơn vị được kiểm toán, điều này đặt ra cho KTV những thách thức mới, đòi hỏi mỗi KTV phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đó là không bỏ lọt sai sót và đưa ra những đánh giá, kết luận, kiến nghị xác đáng, thuyết phục, đủ bằng chứng để đơn vị phải “tâm phục khẩu phục”.

In dấu chân trên đại ngàn

Một mùa kiểm toán mới lại bắt đầu. Những chuyến đi, những trải nghiệm mới và cơ hội thực hành nghề nghiệp luôn có sức hút với những KTV trẻ giàu đam mê và khát khao cống hiến. Còn với những KTV dạn dày kinh nghiệm, hành trình kiểm toán tại những địa bàn xa xôi, hẻo lánh nơi biên viễn không đơn thuần là những chuyến công tác, mà đó còn là sự trở về, là cơ hội để KTV gửi gắm bao ân tình khi được trở lại với mảnh đất, nơi có những con người đã chở che và giúp đỡ họ trong những hành trình công tác trước đó.

Từ những ngày tháng gắn bó kiểm toán các Chương trình 30a, 135, KTV Nguyễn Trung Thiện (Vụ Pháp chế) đã thấm thía cuộc sống của đồng bào miền sơn cước và ngược lại, sự hiện diện của đoàn kiểm toán, các KTV nhà nước đã trở thành những dấu ấn không thể nào quên với mảnh đất và con người vùng cao. Từng có dịp theo chân các KTV Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán Dự án các công trình hạ tầng quy mô nhỏ thuộc Chương trình 135 tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Quảng Trị..., chúng tôi được “mục sở thị” một cuộc sống rất khác của các anh nơi “bản sương giăng, đèo mây phủ” cùng với người dân địa phương. Nói vậy là bởi, trong thời gian kiểm toán dài đằng đẵng cả tháng bám bản, nhiều KTV từng trải cảnh ăn ở, sinh hoạt cùng người dân, như cách nói của các anh là “nương nhờ nhân dân mà sống: Ăn đồ dân nấu, đi làm nhờ dân dẫn đường...”. Cứ thế, rồi chẳng biết tự bao giờ, tại vùng đất tiếp giáp chân trời, dấu chân KTV nhà nước đã trải dài, rộng khắp và trở nên quen thuộc với nhiều làng bản nơi đây.

Nhớ lại thời gian tham gia các cuộc kiểm toán địa bàn vùng sâu, vùng xa, KTV Nguyễn Việt Anh (KTNN chuyên ngành III) chia sẻ: Có những cuộc kiểm toán, đơn vị được kiểm toán như cách biệt với thế giới bên ngoài bởi điều kiện kinh tế - xã hội cùng địa bàn quá khó khăn, thiếu thốn, giao thông bị chia cắt. Năm 2009, anh được cử tham gia kiểm toán Chương trình 135 tại tỉnh Bắc Kạn. Để khảo sát thông tin, Đoàn phải vượt hàng chục cây số băng đèo, lội suối. Thấu cái lạnh của sương rừng, nhiều KTV khá mệt mỏi, nhưng vì trách nhiệm với Ngành, với nghề, mọi người lại động viên cùng nhau vượt qua khó khăn. “Ngày xếp hồ sơ, hoàn thành công việc để trở về, cảm nhận được sự bùi ngùi, lưu luyến của người dân, của chính quyền địa phương trong giờ phút chia tay, ai nấy đều xúc động và như được tiếp thêm động lực, sức mạnh để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” - KTV Nguyễn Việt Anh nhớ lại.

Đáp lại ân tình của nhân dân, các KTV đã ngày đêm làm việc để phát hiện, đưa ra đánh giá, kiến nghị kiểm toán xác đáng đối với từng hạng mục công trình, dự án buộc chủ đầu tư, các bên liên quan phải điều chỉnh cho phù hợp, đúng quy định và quan trọng là phát huy công năng để phục vụ người dân tốt hơn. Qua đây, hình ảnh KTV nhà nước, tiếng nói của KTNN được người dân thêm yêu và trân trọng. Nói như Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang Hoàng Đức Tiến trong một lần tiếp chuyện chúng tôi: “Tiếng nói kiểm toán có xa mà cũng có gần, xa để phủ khắp mọi miền Tổ quốc, để đưa tiếng nói kiểm toán làm minh bạch nền tài chính công; còn gần để dân nhớ, dân thương, để làm được nhiều việc thiết thực cho nhân dân”.

Những giá trị làm nên thương hiệu Kiểm toán viên nhà nước

Với bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào, yếu tố con người luôn là gốc rễ của mọi thành công. KTNN cũng không ngoại lệ. Trong suốt chặng đường hơn 1/4 thế kỷ phát triển và đồng hành cùng đất nước, KTNN đã đạt được nhiều thành công, đặc biệt, trên từng nấc thang đó luôn hiển hiện dấu ấn của những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tận tâm, trách nhiệm với Ngành, trong đó, nòng cốt là đội ngũ KTV. Khẳng định mình với những dấu ấn riêng biệt, các KTV nhà nước được đào tạo từ nhiều ngành nghề khác nhau và đều phát huy được sở trường, thế mạnh khi tham gia công tác. Dù là công chức chuyển ngang sang Ngành, giàu kinh nghiệm hay người trẻ được tiếp nhận về làm việc tại KTNN theo diện thu hút nhân tài song khi mang trên mình danh xưng KTV, tất cả đều cho thấy bản lĩnh, trách nhiệm nghề nghiệp vốn có.

Tại KTNN, những giá trị nền tảng luôn được các thế hệ KTV duy trì, phát huy và lan tỏa sâu rộng. Những thế hệ KTV gắn bó với Ngành từ những ngày đầu thành lập đã và đang là những cán bộ chủ chốt của Ngành. Nhiều người trong số đó đã nghỉ hưu, song vẫn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp phát triển của KTNN. Kế thừa giá trị nền tảng đó, các KTV trẻ đang nỗ lực học hỏi, trau dồi để xứng đáng với tên gọi KTV nhà nước. Là một KTV trẻ, xét cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, song với những nỗ lực cống hiến không biết mệt mỏi, KTV Nguyễn Lê Ngọc Anh đang cùng với nhiều KTV trẻ khác góp phần tạo dựng nên thế hệ KTV nhà nước bản lĩnh, chuyên nghiệp với đủ các phẩm chất cần có. Nữ KTV cũng thấy vui mừng hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự phát triển của Ngành, thấy trong niềm vui của đất nước hôm nay có một phần đóng góp của KTV nhà nước. “Chúng tôi tự hào, vì bản thân đã góp một phần nhỏ bé vào trong thành quả chung của Ngành. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục kiên định, quyết tâm hơn trên còn đường nghề nghiệp” - nữ KTV tâm sự.

Đúc rút kinh nghiệm từ bản thân để nói về giá trị của kết quả kiểm toán, KTV Nguyễn Việt Anh cho rằng: “Kết quả kiểm toán không chỉ là những con số khô khan, mà đó là đời, là kết quả của sự trải nghiệm, thâm nhập để nắm bắt tâm tư của nhân dân; vào điểm nóng của dư luận để tìm ra lẽ đúng sai. Đó phải là sản phẩm của trí tuệ, được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao và hơn hết là sự chân thành, mong muốn tốt nhất cho địa phương, đơn vị thì tất yếu sẽ được các bên đón nhận”.

NGUYỄN LỘC