Lãnh đạo toàn diện hoạt động kiểm toán với phương châm quyết liệt, khoa học, thận trọng, chặt chẽ
Chính trị - Ngày đăng : 22:02, 26/02/2021
(BKTO) – Đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Ban Cán sự (BCS) đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước - nhấn mạnh yêu cầu trên khi chủ trì Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra tại Hà Nội, chiều 26/02.
Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị. Ảnh: THANH HÀ |
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên BCS đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Doãn Anh Thơ - Ủy viên BCS đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN.
Dự thảo Báo cáo kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tháng 01, 02/2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới do đồng chí Nguyễn Bá Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể - trình bày cho biết: Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra như: Chỉ thị số 83-CT/BTV ngày 14/01/2021 về “Lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2021”; 3 Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo: thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2020-2025 và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động của Ngành (trong đó việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin là cơ bản) giai đoạn 2020-2025.
Các cấp ủy đảng đã khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Đảng ủy cấp trên và Đảng ủy KTNN đến từng cán bộ, đảng viên, đồng thời tập trung lãnh đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ trong mọi hoạt động và đạt được nhiều kết quả.
Đến ngày 20/02, KTNN đã hoàn thành 187/188 cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2020; phát hành 230/235 báo cáo kiểm toán; tổng số kiến nghị xử lý tài chính 61.468 tỷ đồng, trong đó, tăng thu 5.121 tỷ đồng; giảm chi 13.286 tỷ đồng, kiến nghị khác 43.061 tỷ đồng.
Đồng thời, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí; chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật và cung cấp 131 báo cáo kiểm toán và các các tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát…
Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ.
Trong tình hình dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động đối ngoại của KTNN, Đảng ủy vẫn chỉ đạo các đơn vị, bộ phận liên quan bám sát Kế hoạch hành động thực hiện vai trò Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI).
Các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của Ngành…
Ban Thường vụ Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nhất là giáo dục văn hóa, tư tưởng, lối sống, trách nhiệm của đảng viên, nâng cao đạo đức công vụ của kiểm toán viên, xây dựng phong cách, tác phong của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Trong tháng 01/2021, Ban Thường vụ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến báo cáo nhanh kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngay sau khi Đại hội kết thúc.
Ban Thường vụ tiếp tục chỉ đạo cấp ủy các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Đảng ủy cấp trên, nhất là các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy KTNN mới ban hành.
Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy KTNN đã xây dựng và ban hành Chương trình công tác kiểm tra, giám sát năm 2021 và chỉ đạo các đảng ủy, chi ủy trực thuộc xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2021…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đồng tình cao với Dự thảo Báo cáo và đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện Báo cáo.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN nhiệm kỳ 2020-2025 về “Lãnh đạo hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của KTNN” (Nghị quyết chuyên đề)
Mục tiêu quan trọng hàng đầu mà Nghị quyết chuyên đề hướng tới là tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN tương xứng với vị trí, chức năng là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công cao nhất của Nhà nước, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; đưa KTNN trở thành công cụ hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương.
Nghị quyết sẽ là cơ sở để Đảng ủy KTNN và cấp ủy các đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp và tổ chức triển khai có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Phớc yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nêu cao tinh thần gương mẫu, lãnh đạo toàn diện các đoàn, tổ kiểm toán với phương châm quyết liệt, khoa học, thận trọng, chặt chẽ; thường xuyên giám sát kiểm toán viên, thực hiện nghiêm quy định về đạo đức nghề nghiệp, thể hiện là cơ quan kiểm tra chuyên nghiệp. Các đơn vị linh hoạt khi triển khai kiểm toán, nếu địa phương nào có người mắc Covid-19 thì báo cáo lãnh đạo Ngành để kiểm toán sau hoặc không kiểm toán; chia sẻ khó khăn với đơn vị được kiểm toán. Đặc biệt, quán triệt việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán.
Đối với Nghị quyết chuyên đề, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu bộ phận soạn thảo tiếp thu ý kiến, điều chỉnh mục tiêu cụ thể và mục tiêu tổng quát để hoàn thiện.
Theo đó, cần xây dựng, hoàn thiện các văn bản chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN để hướng dẫn thực hiện hoạt động kiểm toán như: Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; quy định cụ thể về kết nối dữ liệu và cung cấp thông tin cho KTNN; sửa đổi Hệ thống chuẩn mực KTNN cho phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của KTNN.
Bên cạnh đó, rà soát các quy định về KTNN trong các luật, quy định có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính, quy chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp cũng như hoàn thiện thủ tục để thành lập Học viện Kiểm toán, Vụ Tài chính./.
THÙY ANH