Phát hiện nhiều sai phạm trong định giá tài sản qua kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:00, 01/03/2021
(BKTO) - Qua kiểm toán công tác cổ phần hóa (CPH) DNNN, KTNN đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập, trong đó phải kể đến các sai phạm liên quan đến định giá tài sản. Đồng thời, KTNN có những kiến nghị làm tăng hàng chục nghìn tỷ đồng giá trị doanh nghiệp (GTDN) đã được thẩm định cho NSNN.
KTNN có những kiến nghị làm tăng hàng chục nghìn tỷ đồng GTDN đã được thẩm định cho NSNN. Ảnh tư liệu
Thất thoát nguồn lực củaNhà nước do định giá tài sảnchưa chính xác
Liên quan đến xác định giá trị hiện tại của giá trị thanh lý cây cao su trong xác định giá trị vườn cây cao su kinh doanh, KTNN chỉ rõ: Khoản 3, Điều 10 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC quy định, giá trị thanh lý vườn cây cao su thanh lý được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền trong thời gian 3 năm liền kề năm xác định giá trị vườn cây là chưa phù hợp với khoản 1, Điều 27 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017: “Tổng giá trị thực tế của DN CPH là giá trị toàn bộ tài sản của DN tại thời điểm xác định GTDN sau khi đánh giá lại có tính đến khả năng sinh lời của DN”.
Đặc biệt, do nhiều nguyên nhân khách quan, giá cây cao su thanh lý những năm qua tăng mạnh qua từng năm và chưa có xu hướng giảm. Vì vậy, quy định tại Thông tư liên tịch trên đã dẫn đến giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su trong phương án xác định GTDN giảm rất lớn so với kết quả tính toán theo giá trị thị trường tại thời điểm xác định GTDN. Chỉ tính riêng Công ty Cao su Đ.L, nếu điều chỉnh theo giá thanh lý cao su tại thời điểm xác định GTDN, giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh đã tăng thêm 650,6 tỷ đồng so với GTDN đã xác định.
Tại tỉnh Đ.L, Hội đồng thẩm định suất đầu tư nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì có nhiều sai sót, thiếu trách nhiệm trong thẩm định suất đầu tư nông nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở xác định giá trị DNNN hoạt động trong lĩnh vực trồng, chế biến cao su, cà phê khi CPH DN theo các quy định tại Thông tư liên tịch trên của liên bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính. Việc xác định không đúng hệ số chu kỳ khai thác của vườn cây kinh doanh do nhầm lẫn giữa năm khai thác và năm tuổi của cây, không xác định giá trị thực tế các loại cây trồng khác như: bơ, sầu riêng… dẫn tới làm giảm giá trị phần vốn nhà nước khi xác định GTDN để chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ với số tiền thiệt hại hơn 206,16 tỷ đồng.
Tăng cường kiểm toáncông tác cổ phần hóa, xác địnhgiá trị doanh nghiệp
Để nâng cao hiệu quả và tiến độ thực hiện kế hoạch CPH DNNN, cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội.
Hai là, bổ sung các quy định về xác định và đưa vào GTDN để CPH, thoái vốn nhà nước giá trị lợi thế về giá thuê đất đối với đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hằng năm; xử lý các trường hợp công ty cổ phần sử dụng đất không đúng phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi CPH hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính sửa đổi, điều chỉnh phương pháp xác định giá trị thanh lý cây cao su trong xác định giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su; sửa đổi các quy định về quản lý và sử dụng tiền thu từ CPH, tiêu chí cổ đông chiến lược; hướng dẫn rõ hơn về xác định giá trị tài sản vô hình, đặc biệt là giá trị văn hóa, lịch sử khác, giải quyết mối quan hệ giữa việc thuê tổ chức thẩm định giá với vấn đề chịu trách nhiệm của chủ sở hữu về kết quả xác định GTDN, mức độ chịu trách nhiệm của từng bên đối với các sai sót trong xác định GTDN để CPH hoặc thoái vốn nhà nước tại DN.
Ba là, các địa phương đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý nhà đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng phương án sử dụng đất của các DN CPH. Các DNNN thuộc diện CPH khẩn trương rà soát lại toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng và lập phương án sử dụng đất một cách thiết thực, phù hợp với nhu cầu sử dụng và chiến lược kinh doanh đã xác định và phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cũng như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của chính quyền địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi CPH theo đúng quy định.
Bốn là, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các DNNN cần chủ động, tích cực xây dựng phương án CPH, tổ chức xác định GTDN để phục vụ CPH và thoái vốn nhà nước tại các DN theo đúng lộ trình, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ trưởng các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các DNNN phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai.
Năm là, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần chỉ đạo bằng văn bản đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần xây dựng kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán và nghiêm túc thực hiện kế hoạch đăng ký giao dịch, niêm yết theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý các trường hợp chậm trễ hoặc chây ỳ việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành, thực hiện kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại các DN và kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán của các DNNN sau CPH để kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định.
Sáu là, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm toán của KTNN đối với hoạt động CPH DNNN, đặc biệt là kiểm toán xác định GTDN, kiểm toán quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai trước và sau CPH các DNNN để kịp thời phát hiện sai phạm, ngăn ngừa lãng phí, thất thoát tiền và tài sản nhà nước trong quá trình CPH DNNN và thoái vốn nhà nước tại các DN.
ThS. TRẦN MINH KHƯƠNG
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII
HỒNG ANH (ghi)