Đảm bảo cung cầu - hàng hóa thiết yếu đã không thiếu trong dịp Tết

Kinh tế - Ngày đăng : 09:15, 01/03/2021

(BKTO) - Tổng hợp thông tin từ các địa phương trên cả nước, Bộ Công Thương cho biết, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các DN ước tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng thông thường. Lượng hàng dự trữ của các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường cũng tăng khoảng 5 - 10% so với năm trước. Hàng hóa dồi dào, phong phú, dự trữ tăng cao để sẵn sàng cung ứng, đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 đã giúp cho thị trường hàng hóa thiết yếu ổn định, không xảy ra khan hàng, sốt giá… trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.



Thị trường hàng hóa thiết yếu ổn định, không xảy ra khan hàng, sốt giá… trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: P.Tuân

Dự trữ nguồn cung lớn,sẵn sàng đáp ứng nhu cầu

Công tác dự trữ chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021 đã được các địa phương và DN trên cả nước nghiêm túc triển khai. Các mặt hàng được dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Giá bán hàng bình ổn được các DN cam kết giữ ổn định trong thời gian trước, trong và sau Tết và được niêm yết công khai.

Đặc biệt, tại 27 địa phương triển khai Chương trình bình ổn thị trường đều triển khai chương trình một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương. Sở Công Thương các địa phương cho biết, lượng hàng hoá tham gia bình ổn thị trường được tăng cường, chiếm khoảng 20 - 35% nhu cầu thị trường. Hàng hóa trong Chương trình bình ổn thị trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Một số địa phương đã mở rộng nhóm hàng hoá thuộc diện bình ổn thị trường, thực hiện bình ổn thị trường cả năm đối với một số hàng hoá thiết yếu trong danh mục. Đặc biệt, một số tỉnh, thành phố, như TP. HCM và Hà Nội, còn tăng lượng hàng hoá dự trữ để cung ứng trong trường hợp có yêu cầu đột xuất, cũng như sẵn sàng các phương án cung ứng hàng trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết được lưu thông, phân phối thông qua các chợ truyền thống và các hệ thống phân phối hiện đại gồm: 8.500 chợ, 1.084 siêu thị, 241 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi... Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích đã có những chương trình khuyến mại, giảm giá sâu dịp sát Tết với mục đích kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập của người dân bị giảm và dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

Nhằm giảm áp lực cho thị trường những ngày cận Tết, tránh tình trạng tăng giá đột biến đối với những mặt hàng có nhu cầu cao, Sở Công Thương các địa phương đã đề nghị các DN tăng thời gian phục vụ Tết tại các điểm bán hàng bình ổn theo hướng nghỉ Tết muộn, sau Tết mở cửa hàng sớm nhằm hạn chế tâm lý mua hàng tích trữ gây tăng giá những ngày giáp Tết và sau Tết.

Thị trường ổn định, không có biến động

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hướng ứng vốn từ ngân sách địa phương hoặc hỗ trợ lãi suất cho DN tham gia, năm nay, nguồn vốn dự trữ hàng hóa của Chương trình bình ổn thị trường chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa, hạn chế sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN. Một số địa phương lần đầu tiên thực hiện Chương trình bình ổn thị trường như Hậu Giang, Kon Tum... đã nhanh chóng bắt nhịp thực hiện một cách quy mô và bài bản. Cùng với đó, số lượng các địa phương thực hiện kết nối DN với tổ chức tín dụng tăng so với năm trước. Điều này đã khuyến khích, mở rộng số lượng DN tự nguyện tham gia bình ổn thị trường và cam kết bình ổn giá không cần sự hỗ trợ về vốn vay từ NSNN. Cùng với việc tăng cường kết nối giao thương, ổn định thị trường giữa các địa phương, các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối để tạo nguồn hàng dự trữ với giá ổn định, các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường còn đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới tay người tiêu dùng, chú trọng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, vùng biên giới, hải đảo...

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố ngay trong giai đoạn gần Tết đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và mua sắm Tết của người dân. Nhiều địa phương đã dừng toàn bộ các hội chợ Tết, các lễ hội... Trước tình trạng trên, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã có sự chỉ đạo sát sao trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống, truy vết và sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh để vừa chống dịch, vừa bảo đảm sự vận hành của nền kinh tế. Từ ngày 22 tháng Chạp (ngày 03/02/2021), sức mua đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng lên nhưng do lo ngại dịch bệnh nên hoạt động mua sắm của người dân cũng hạn chế hơn các năm trước.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phương thức mua hàng của người dân cũng có nhiều thay đổi. Việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá bán của nhiều nhà cung cấp, mua hàng được từ những khu vực cách xa về địa lý... Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các biện pháp phòng, chống dịch đều được áp dụng để bảo đảm an toàn, giá hàng hóa giữ ổn định, chủng loại, mặt hàng đa dạng cùng nhiều chương trình khuyến mại nên vẫn thu hút được lượng tương đối lớn khách hàng đến mua sắm. Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hằng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3 - 5% so với tháng thường và tăng 7 - 10% so với cùng kỳ năm 2020.

PHÚC KHANG