Quy hoạch phát triển sân bay: Cần cân nhắc để tránh lãng phí
Kinh tế - Ngày đăng : 09:20, 01/03/2021
(BKTO) - Thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố liên tiếp đề xuất xin chủ trương xây dựng sân bay với lý do phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, giới chuyên gia hàng không, nhà kinh tế cho rằng, cần phải tính toán thận trọng trên cơ sở nhu cầu cũng như tính khả thi trong thực tế, nếu không có thể dẫn đến tình trạng dư thừa sân bay, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.
Ồ ạt đề xuất xây dựngsân bay
Gần đây, nhiều địa phương gửi kiến nghị tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Chính phủ cho bổ sung sân bay tại địa phương mình vào quy hoạch mạng sân bay cả nước. Trong đó, UBND tỉnh Hà Giang vừa đề nghị Bộ GTVT bổ sung một vị trí cảng hàng không tại tỉnh này vào quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Cụ thể, Hà Giang muốn quy hoạch sân bay tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, với diện tích khoảng 388ha, trong đó phần dùng cho mục đích quân sự là 70ha.
Trước đó, UBND tỉnh Sơn La cũng đề nghị bổ sung dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 với tổng mức đầu tư khoảng 2.295 tỷ đồng sử dụng kết hợp các nguồn vốn: ngân sách T.Ư, vốn DNNN, vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Cao Bằng - một tỉnh miền núi - cũng kiến nghị đưa sân bay Cao Bằng vào quy hoạch. Đây là sân bay nội địa dùng chung với quân sự, dự kiến cách thành phố 13km về phía Đông Nam, phục vụ đi lại, du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng biên giới phía Bắc.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa, phía Nam Thủ đô, dự kiến xây dựng sau năm 2030, song song với việc mở rộng sân bay Nội Bài đạt công suất đến 100 triệu hành khách mỗi năm… Ngoài ra, Bộ GTVT còn nhận được kiến nghị của một số địa phương đề xuất chuyển cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như: Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định)...
Cần phải tính toán thận trọng
Khi đề xuất xây dựng sân bay, các tỉnh, thành phố đều khẳng định việc đầu tư xây dựng sân bay là một chủ trương lớn, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo đột phá về hạ tầng giao thông, giúp kết nối với cực phát triển trong cả nước, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng sân bay cần phải tính toán thận trọng trên cơ sở nhu cầu cũng như tính khả thi trong thực tế. Bởi phải tính toán đến Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang được xây dựng và các cao tốc, đường thủy trong tương lai... sẽ tác động thế nào đến nhu cầu đi lại của địa phương. Đến lúc mạng lưới giao thông quốc gia cũng như nội tỉnh hình thành thì sân bay lại dư thừa.
Theo ông Phan Lê Bình - chuyên gia cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), khi xây dựng sân bay cần cân nhắc đến nhu cầu thực tế của các địa phương. Tức là căn cứ vào tình hình thực tế của từng tỉnh, thành phố, nếu thật sự buộc phải có sân bay để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mình thì mới nên đề xuất xây sân bay. Bởi nhu cầu thực tế này sẽ tác động trực tiếp đến công suất khai thác của sân bay đó. Cũng giống như bến xe, bến tàu, nhà ga, cảng biển..., sân bay xây xong phải có máy bay hoạt động. Điều này lại tùy thuộc vào nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân địa phương, vào lượng khách du lịch... “Sân bay xây xong mà mỗi ngày chỉ có hai ba chục khách thì rất lãng phí. Bản thân các hãng hàng không cũng chẳng hãng nào muốn khai thác đường bay với lượng khách ít như thế, bởi sẽ lỗ khi vận hành” - ông Bình nhận định.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, câu chuyện các địa phương đua nhau làm bến cảng, sân bay đã từng xảy ra hơn 10 năm trước, nay không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay. Cả nước hiện có 22 sân bay, nhưng chỉ 6 - 7 sân bay hoạt động có lãi, số còn lại đều lỗ. Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân..., vì đầu tư sân bay rất tốn kém. “Dù đầu tư từ vốn nhà nước hay tư nhân, nếu không hiệu quả đều lãng phí nguồn lực xã hội, trong khi hàng không là phương tiện đi lại xa xỉ, không phải đa số người dân đều tiếp cận được” - ông Long nhìn nhận.
Trong khi đó, đại diện Bộ GTVT cho rằng, mật độ xây dựng sân bay của Việt Nam mới đạt 16.000 km2/cảng hàng không, là mức trung bình so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, việc bổ sung sân bay vào quy hoạch không phải tùy tiện mà dựa trên các yếu tố: quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, hạ tầng kinh tế - xã hội, các yếu tố kết nối, liên kết địa phương và vùng, quốc phòng an ninh…
HÒA LÊ