Quy định mới về khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động kiểm toán nhà nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:10, 01/03/2021

(BKTO) - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 01/2021/QĐ-KTNN về Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động kiểm toán nhà nước.


                
   

Trụ sở KTNN tại Hà Nội

   

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 03/2016/QÐ-KTNN ngày 28/07/2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán.

Khiếu nại, khởi kiện phải chính xác, khách quan, trung thực...

Quy định điều chỉnh trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước (khiếu nại kiểm toán); trình tự, thủ tục trả lời đối với các trường hợp không đủ điều kiện thụ lý giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán; trách nhiệm của KTNN tham gia tố tụng tại tòa án theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án, thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

         
Theo Quy định này, 10 hành vi bị nghiêm cấm gồm: Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện, đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, khởi kiện, không giải quyết theo quy định; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc; cố ý giải quyết khiếu nại, khởi kiện trái pháp luật; kết quả giải quyết khiếu nại không bằng hình thức ra quyết định; bao che, can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại; cố tình khiếu nại, khởi kiện sai sự thật; kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo việc khiếu nại, khởi kiện; lợi dụng việc khiếu nại, khởi kiện để tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân; vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Đối tượng áp dụng là đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán khi thực hiện quyền khiếu nại (người khiếu nại) và thực hiện khởi kiện (người khởi kiện); đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán, những người đã tham gia quá trình tạo lập, hình thành kết quả kiểm toán, thực hiện hành vi là đối tượng bị khiếu nại, khởi kiện; Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước trong quá trình giải quyết khiếu nại, trả lời kiến nghị và tố tụng tại tòa án; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Việc giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ và kịp thời, đúng nội dung, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan theo yêu cầu của KTNN, đồng thời tuân thủ quy định của pháp luật về khiếu nại, tố tụng hành chính, kiểm toán nhà nước, các quy định pháp luật liên quan và quy định tại văn bản này.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

   


Quyền và nghĩa vụ trong hoạt động khiếu nại kiểm toán
Quy định nêu rõ quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, đơn vị trực thuộc KTNN, đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán, các cá nhân có liên quan đến kết quả kiểm toán bị khiếu nại hoặc hành vi kiểm toán bị khiếu nại; quyền và nghĩa vụ của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó,người khiếu nại có quyền: Khiếu nại kết quả kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán hoặc thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định của pháp luật;

Khiếu nại hành vi trái pháp luật của thành viên đoàn kiểm toán gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị mình;

Mời luật sư tư vấn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

Tham gia đối thoại, giải trình vụ việc;

Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do KTNN thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

Được đề nghị KTNN áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do hành vi của thành viên đoàn kiểm toán gây ra hoặc do việc bắt buộc phải thực hiện báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định của Luật KTNN nhưng bị khiếu nại;

Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;

Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi hoàn hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

Rút khiếu nại và khởi kiện vụ án tại toà án theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.

Nghĩa vụ của người khiếu nại:

Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

Trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ chứng minh tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

Trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, trừ trường hợp Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định tạm đình chỉ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN;

Chấp hành nghiêm quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Quy định nêu rõ quyền của đơn vị trực thuộc KTNN, đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán, các cá nhân có liên quan đến kết quả kiểm toán bị khiếu nại hoặc hành vi kiểm toán bị khiếu nại:

Đưa ra chứng cứ để chứng minh tính hợp pháp của hành vi, kết quả kiểm toán bị khiếu nại;

Được biết, đọc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ liên quan để phục vụ việc giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

Được đề nghị người khiếu nại đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình.

Nghĩa vụ của đơn vị trực thuộc KTNN, đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán, các cá nhân có liên quan đến kết quả kiểm toán bị khiếu nại hoặc hành vi kiểm toán bị khiếu nại:

Tham gia giải quyết hoặc cử đại diện hợp pháp của đơn vị, của đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán tham gia giải quyết vụ việc; tham gia đối thoại hoặc cử đại diện hợp pháp của đơn vị, của đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán tham gia đối thoại;

Chấp hành quyết định kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại;

Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, giải trình về tính hợp pháp, đúng đắn của các đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị hoặc hành vi bị khiếu nại khi người có thẩm quyền kiểm tra, xác minh yêu cầu;

Dự kiến phương án sửa đổi hoặc hủy bỏ đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán hoặc thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán hoặc xử lý hành vi bị khiếu nại;

Tùy theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đối với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị bị khiếu nại hoặc hành vi trái pháp luật của mình gây ra chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước có quyền:

Yêu cầu người khiếu nại, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở giải quyết khiếu nại;

Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp theo quy định;

Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia giải quyết;

Trưng cầu giám định chuyên môn khi cần thiết theo quy định của Luật KTNN;

Thành lập Hội đồng kiểm toán để tham khảo ý kiến của Hội đồng kiểm toán theo quy định tại Điều 18 Luật KTNN khi xét thấy cần thiết.

Nghĩa vụ của Tổng Kiểm toán Nhà nước:

Tiếp nhận, thụ lý, lập hồ sơ vụ việc khiếu nại;

Thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết khiếu nại;

Giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN và Quy định này;

Kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại;

Tổ chức đối thoại với người khiếu nại và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan;

Cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại, cung cấp hồ sơ giải quyết khiếu nại khi Tòa án yêu cầu; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại khi người khiếu nại đề nghị;

Ra quyết định giải quyết khiếu nại và công bố quyết định giải quyết khiếu nại;

Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước./.

THÙY ANH