Thị trường chứng khoán khởi sắc ngày đầu tháng 3
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 12:00, 02/03/2021
(BKTO)- Thị trường chứng khoán trong nước cũng như quốc tế đã mở đầu tháng 3 đầy khởi sắc khi ghi nhận "sắc xanh" ở hầu hết các thị trường.
Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm
VN-Index sắc xanh lan rộng
Dòng tiền sôi động và lan rộng giúp các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, thép... đua nhau nổi sóng, đã kéo VN-Index tăng vọt gần 18 điểm trong phiên đầu tuần ngày 1/3.Tâm lý giao dịch hưng phấn đã trở lại trong tuần mới với sự nhập cuộc sôi động của dòng tiền mạnh đã giúp các nhóm cổ phiếu đua nhau khởi sắc. Từ các nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép tiếp tục nổi sóng, đã lan tỏa sắc xanh ra các nhóm cổ phiếu khác, giúp VN-Index tăng vọt và có thời điểm vượt mốc 1.180 điểm.
Dù ở cuối phiên sáng, lực bán có gia tăng khiến VN-Index thu hẹp biên độ và không giữ được ngưỡng kháng cự trên nhưng điểm sáng chính là thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể, vượt xa những phiên giao dịch sáng trong hơn một tuần sau Tết Nguyên đán vừa qua. Đây là điểm tích cực giúp nhà đầu tư kỳ vọng vào sóng tăng của thị trường.
Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu vẫn duy trì ổn định giúp VN-Index nhanh chóng dành lại mốc 1.180 điểm và dần nới rộng biên độ tăng. Các mã lớn bé trên sàn đua nhau bật cao, trong đó số mã tăng trần cũng không ngừng gia tăng, nhanh chóng kéo VN-Index tiến sát vùng đỉnh trước Tết Nguyên đán.
Chỉ sau khoảng hơn 1 giờ mở cửa phiên chiều, thị trường lại gặp sự cố hệ thống.Tuy nhiên, sự cố lần này có phần giảm nhẹ hơn khi các lệnh mua bán vẫn túc tắc nhỏ giọt, đồng thời chỉ số VN-Index dần nhích nhẹ và đóng cửa tại vùng đỉnh của phiên giao dịch hôm nay.
Chốt phiên, sàn HOSE có 358 mã tăng, gấp hơn 4 lần số mã giảm (85 mã), VN-Index tăng 17,7 điểm (+1,51%), lên 1.186,17 điểm.Tổng khối lượng giao dịch đạt 643,38 triệu đơn vị, giá trị 16.024.83 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng và 7,76% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 26/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 50,37 triệu đơn vị, giá trị 1.462,53 tỷ đồng.
Dòng bank vẫn giữ phong độ khá tốt khi tất cả đều duy trì đà tăng điểm. Trong đó, LPB là điểm nhấn của ngành nói riêng và toàn thị trường nói chung khi tăng đột biến cả về giá và thanh khoản. Kết phiên, LPB tăng 6,8% lên mức giá trần với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE, lên tới 36,42 triệu đơn vị và dư mua trần 673.400 đơn vị.
Ngoài LPB tăng trần, một thành viên khác của dòng bank là VIB cũng khoe sắc tím trong phiên hôm nay.
Đồng thời, đây cũng là nhóm thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Về thanh khoản, đứng ở vị trí tiếp theo LPB là STB khớp 35,78 triệu đơn vị và MBB khớp hơn 22 triệu đơn vị, đóng cửa, STB tăng 4,1% lên 19.100 đồng/CP, còn MBB tăng 2,5% lên 28.350 đồng/CP. Ngoài ra, CTG và TCB cũng có khối lượng khớp lệnh 12-14 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó phải kể đến nhóm cổ phiếu ngành thép với các mã như NKG, POM, TLH, VIS đều tăng kịch trần, HSG tăng 5,7% lên 28.000 đồng/CP, HPG tăng 1,3% lên 46.200 đồng/CP.
Ở nhóm dầu khí, các mã cũng đua nhau tăng vọt như GAS tăng 2,9% lên mức cao nhất ngày 91.900 đồng/CP, PLX tăng 1,4% lên 59.000 đồng/CP, PVD tăng 4,3% lên 24.400 đồng/CP…
Nhóm mía đường cũng có những tín hiệu khởi sắc như LSS kết phiên tăng kịch trần, SBT đảo chiều tăng 5,5% lên mức cao nhất ngày 22.900 đồng/CP, SLS tăng 3,8% lên 108.400 đồng/CP, KTS tăng 1,5% lên 19.800 đồng/CP.
Ngoài ra, nhóm bất động sản, xây dựng cũng có nhiều điểm sáng, đáng kể là LCG tăng kịch trần lên mức giá 16.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt 10,13 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,4 triệu đơn vị.
Hay ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, các mã SSI, CTS, AGR có mức tăng trên dưới 5%, HCM tăng 6,2% lên sát trần 31.000 đồng/CP, BSI tăng 3,6% lên 14.400 đồng/CP…
Bên cạnh những con sóng ngành, nhiều cổ phiếu khác trên sàn cũng góp mặt tỏa sáng, điển hình là RIC vẫn duy trì chuỗi ngày dài tăng trần và kết phiên hôm nay tại mức giá 37.750 đồng/CP.
Trên sàn HNX, việc “tắc đường” trên sàn HOSE giúp HNX có phần sôi động hơn và chỉ số HNX-Index nới rộng đà tăng điểm về cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 146 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 3,15 điểm (+1,26%), lên 252,37 điểm.Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 121 triệu đơn vị, giá trị 2.114,93 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,83 triệu đơn vị, giá trị 86,42 tỷ đồng.
Các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí trên sàn HNX cũng đua nhau khởi sắc với các mã BVS, SHS, NVB đều tăng trên 2%, PVS và PVC tăng trên 3,5%, SHS tăng 4,1% lên 28.000 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều mã lớn khác trong nhóm HNX30 cũng tăng khá tốt như LAS tăng 4.8% lên 8.800 đồng/CP, NRC tăng 8% lên 25.600 đồng/CP, VCS tăng 2,3% lên 88.200 đồng/CP…
Trong khi đó, THD chỉ còn giữ sắc xanh nhạt khi nhích nhẹ 0,1% lên 201.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 0,3 triệu đơn vị.
Về thanh khoản, cặp đôi SHB và PVS vẫn dần đầu sàn HNX với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 25,49 triệu đơn vị và 16,24 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, đà tăng cũng nới rộng hơn trong phiên giao dịch chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,51 điểm (+0,67%), lên 77,15 điểm với 192 mã tăng và 75 mã giảm.Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 68,66 triệu đơn vị, giá trị 1.045,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,54 triệu đơn vị, giá trị hơn 39 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí BSR đã có phiên giao dịch bùng nổ khi kết phiên tăng 13% lên 13.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch tăng vọt, đạt 36,72 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng ghi nhận mức tăng tốt như OIL tăng 7,8% lên 12.500 đồng/CP, VGT tăng 2,7% lên 19.200 đồng/CP, MSR tăng 2,3% lên 21.800 đồng/Cp, VGI tăng 4,1% lên 40.700 đồng/CP, ACV tăng 3% lên 76.300 đồng/CP…
Trên thị trường phái sinh,cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều tăng điểm, trong đó, VN30F2103 đáo hạn gần nhất đã tăng 1,6% lên 1.193 điểm, với tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 104.840 đơn vị, khối lượng mở 28.130 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền,CVRE2012 và CVRE2007 dẫn đầu thanh khoản khi lần lượt khớp 58.120 đơn vị và 54.180 đơn vị. Kết phiên, CVRE2012 tăng 9,1% lên 1.790 đồng/CQ, còn CVRE2007 giảm 1,9% xuống 1.010 đồng/CQ.
Phố Wall hồi phục sau 2 phiên "bán tháo"
Sau 2 phiên bán tháo trên diện rộng, Phố Wall khởi đầu tháng 3 bằng một phiên giao dịch khởi sắc vào ngày thứ Hai (1/3). Chứng khoán Mỹ nhận được động lực mạnh mẽ từ việc vắc-xin của Johnson & Johnson trở thành loại vắc-xin thứ ba được cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp của Mỹ, đồng thời gói viện trợ tài chính của chính quyền Tổng thống Joe Biden củng cố kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế một cách nhanh chóng.
Cuối tuần qua, các chuyên gia tư vấn của Ủy ban tư vấn về thực hiện tiêm chủng thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã bỏ phiếu ủng hộ khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson cho người dân Mỹ từ 18 tuổi trở lên.
Khuyến nghị trên được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với loại vắc-xin này vào ngày 27/2. Johnson & Johnson dự kiến sẽ xuất xưởng lô vắc-xin đầu tiên với 4 triệu liều.
Trước đó, vào đầu ngày thứ Bảy, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD và hiện dự luật đã được chuyển đến Thượng viện.
Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ phiên đêm qua đã giảm sau khi tăng mạnh trong tháng trước do thị trường lo ngại lạm phát tăng nhanh trước sự phục hồi của nền kinh tế sẽ khiến các nhà quản lý thắt chặt chính sách cho vay. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 1,449% sau rút khỏi mức cao nhất trong một năm là 1,614% ghi nhận vào tuần trước. Đà tăng của lợi suất trái phiếu gần đây đã làm xáo trộn thị trường.
Về dữ liệu kinh tế, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã tăng lên mức 60,8 vào tháng 2, từ mức 58,7 vào tháng 1, đánh bại mức 58,8 mà thị trường kỳ vọng, đồng thời đánh dấu mức cao nhất ghi nhận được từ tháng 2/2018, theo Viện Quản lý Cung ứng (ISM).
Hoạt động sản xuất của Mỹ tăng trong bối cảnh lượng đơn đặt hàng mới tăng vọt, song các nhà máy tiếp tục phải đối mặt với chi phí nguyên liệu thô và các yếu tố đầu vào khác cao hơn trong bối cảnh thiếu lao động tại các nhà cung cấp khi đại dịch kéo dài.
Kết thúc phiên 1/3,chỉ số Dow Jones tăng 603,14 điểm (+1,95%), lên 31.535,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 90,67 điểm (+2,38%), lên 3.901,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 398,48 điểm (+3,01%), lên 13.588,83 điểm.
Chứng khoán châu Âu đóng cửa tăng điểm vào ngày thứ Hai, sau khi có phiên giao dịch tốt nhất ghi nhận được trong vòng 4 tháng trong bối cảnh thị trường trái phiếu ổn định, đồng thời thị trường lạc quan về chương trình tiêm chủng Covid-19 và gói kích thích tài chính lớn của Mỹ.
Kết thúc phiên 1/3,chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 105,10 điểm (+1,62%), lên 6.599,53 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 226,53 điểm (+1,64%), lên 14.012,82 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 89,57 điểm (+1,57%), lên 5.792,79 điểm.
Sắc xanh cũng bao phủ chứng khoán châu Á phiên đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản và chứng khoán Trung Quốc cùng phục hồi nhờ lực mua bắt đáy sau ngày bán tháo trước đó.
Chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên khởi sắc sau đợt lao dốc của tuần trước nhờ thị trường trái phiếu hạ nhiệt, bên cạnh tiến độ gói kích thích của Mỹ đã thúc đẩy tâm lý giới đầu tư.
Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch Ngày Độc lập.
Kết thúc phiên 1/3,chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 697,49 điểm (+2,41%), lên 29.663,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 42,32 điểm (+1,21%), lên 3.551,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 472,36 điểm (+1,63%), lên 29.452,57 điểm.
NAM SƠN (Tổng hợp)