Kiểm toán việc quản lý nguồn nước sông Mê Công: Khẳng định vai trò, tiếng nói của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:05, 05/03/2021
(BKTO) - KTNN vừa chính thức triển khai kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Cuộc kiểm toán này được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực, ý nghĩa không chỉ cho Việt Nam mà còn cả với các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị triển khai cuộc kiểm toán
Kiểm toán 4 Bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Mê Công tại Việt Nam
Theo Quyết định và Kế hoạch kiểm toán được KTNN Việt Nam ban hành mới đây, mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá công tác quản lý nhà nước và việc tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện mục tiêu cụ thể 6.5 thuộc mục tiêu phát triển bền vững số 6.
Trong đó, cuộc kiểm toán chú trọng đến việc xác định các ảnh hưởng, tác động tiêu cực của việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước từ các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là các quốc gia thượng nguồn đến Việt Nam. Trên cơ sở đó, KTNN sẽ đóng góp tiếng nói với các quốc gia lưu vực sông Mê Công và cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường khai thác, sử dụng bền vững và quản lý hiệu quả nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các SDG.
Cuộc kiểm toán tập trung vào các nội dung gồm: công tác quản lý nhà nước đối với nguồn nước lưu vực sông Mê Công; việc tuân thủ cam kết quốc tế của Việt Nam trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mê Công.
Phạm vi kiểm toán là giai đoạn 2016-2020 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Địa điểm kiểm toán là tại 4 Bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
KTNN kiểm toán việc quản lý nguồn nước sông Mê Công gắn với việc thực hiện SDG tại Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; 3 Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương; các tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk, đây là những địa phương thuộc lưu vực sông Mê Công tại Việt Nam. |
Cuộc kiểm toán sẽ áp dụng nhiều phương pháp kiểm toán như: nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan; tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh; phỏng vấn; chọn mẫu. Quá trình kiểm toán có sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn quốc tế về nguồn nước, kiểm toán hoạt động liên quan đến thực hiện các SDG, kiểm toán môi trường. Trường hợp cần thiết, Đoàn kiểm toán có thể mời thêm chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật về một số vấn đề chuyên môn cụ thể.
Trong quá trình kiểm toán, các kiểm toán viên tuân thủ nghiêm túc quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán, quy tắc đạo đức, chuẩn mực kiểm toán, kịp thời báo cáo lãnh đạo Tổ, Đoàn những vướng mắc phát sinh để có phương án xử lý.
Quang cảnh Hội nghị triển khai cuộc kiểm toán sáng 03/3 tại điểm cầu trụ sở KTNN
Sáng kiến của KTNN Việt Nam được ghi nhận và đánh giá cao
Việc triển khai hoạt động kiểm toán trên nhằm góp phần thực hiện Tuyên bố cam kết kèm theo Điều khoản tham chiếu cuộc kiểm toán hợp tác việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công đã được KTNN Việt Nam ký với 2 Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI): Thái Lan, Myanmar vào tháng 12/2020.
Thông qua đó, KTNN Việt Nam sẽ cùng với 2 SAI thực hiện thành công cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các SDG”. Đây là sáng kiến và đề xuất của KTNN Việt Nam đã được các SAI ủng hộ mạnh mẽ và thông qua tại Cuộc họp Ban Điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55 vào tháng 7/2020. Cuộc kiểm toán đã được đưa vào Kế hoạch chiến lược của ASOSAI giai đoạn 2020-2021 nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về việc thúc đẩy vai trò của SAI trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và Tuyên bố Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với thực hiện SDG mới đây, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung đánh giá cao các sáng kiến của KTNN Việt Nam đối với cuộc kiểm toán lần này. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cũng cho rằng đây là một cuộc kiểm toán đặc biệt, có yếu tố quốc tế nên cần phải được triển khai sớm.
Chuẩn bị cho việc triển khai cuộc kiểm toán này, KTNN Việt Nam đã xây dựng và ban hành Đề cương kiểm toán. Đề cương đã được các SAI tham gia kiểm toán thống nhất cao. Đặc biệt, với vai trò chủ trì, KTNN Việt Nam đã phối hợp với các SAI tham gia, các chuyên gia quốc tế xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện cuộc kiểm toán và chương trình, tài liệu đào tạo. Trong quá trình xây dựng Kế hoạch kiểm toán, KTNN đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương.
Đề cương kiểm toán xác định cụ thể 4 nội dung và các tiêu chí kiểm toán tương ứng của cuộc kiểm toán và khuyến khích các SAI cùng thực hiện một số nội dung và tiêu chí kiểm toán cụ thể do KTNN Việt Nam xác định nhằm đánh giá tổng thể ảnh hưởng của việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công tới Đồng bằng sông Cửu Long. |
Ủng hộ, tin tưởng và kỳ vọng vào kết quả kiểm toán
Tại Hội nghị triển khai cuộc kiểm toán này, đại diện các Bộ, ngành đều ủng hộ, nhất trí cao với Kế hoạch kiểm toán chi tiết của KTNN. Đánh giá cao sự nhất trí, đồng thuận này, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị đầu mối cung cấp hồ sơ, tài liệu, phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm toán, tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật nhằm giúp KTNN hoàn thành tốt cuộc kiểm toán.
Khẳng định cuộc kiểm toán không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn có ý nghĩa đối với các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành kỳ vọng, thông qua cuộc kiểm toán này, Bộ TN&MT có điều kiện nhìn nhận khách quan hơn để điều chỉnh chính sách có liên quan cho phù hợp và triển khai thực thi pháp luật có hiệu quả, từ đó góp phần làm gia tăng giá trị trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước, giúp KTNN Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đại diện Bộ TN&MT cam kết sẽ phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn kiểm toán để cuộc kiểm toán đạt kết quả tốt.
Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung cho biết, Ủy ban từng phối hợp với KTNN trong cuộc kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công năm 2012. Những kiến nghị có liên quan đến trách nhiệm quản lý của Ủy ban khi đó có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Ủy ban trong việc nhìn nhận thực trạng quản lý, sử dụng nguồn nước tại khu vực sông Mê Công tại Việt Nam. Nhiều kiến nghị kiểm toán đã được Ủy ban thực hiện ngay sau đó. Do vậy, “chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những vấn đề biến động mới, những vấn đề mang tính quốc tế của khu vực và mong muốn tiếp tục được phối hợp với KTNN trong cuộc kiểm toán để nắm bắt và có những đề xuất thiết thực, phù hợp với Chính phủ trong việc tăng cường quản lý, sử dụng nguồn nước lưu vực sông Mê Công một cách hiệu quả, bền vững.” - Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung nhấn mạnh.
Với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng trong thời gian dài, cuộc kiểm toán được kỳ vọng sẽ hoàn thành sớm, mang lại kết quả cao, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược với cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và khẳng định vai trò, tiếng nói của KTNN Việt Nam với cộng đồng khu vực cũng như quốc tế./.
Bài và ảnh: NGỌC MAI – NGUYỄN LỘC