Nguy cơ thất thoát, lãng phí từ giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá

Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 08/03/2021

(BKTO) - Giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, gây thất thoát tài sản nhà nước, khiến nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan đã phải chịu chế tài pháp luật xử lý thích đáng. Liên quan đến tình trạng này, KTNN đã nhiều lần phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh song đến nay chưa được các cơ quan, địa phương khắc phục triệt để. Các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai vì thế vẫn tái diễn với nhiều hình thức, mức độ khác nhau.



KTNN đánh giá, công tác quản lý đất hiện còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát, tham nhũng. Ảnh tư liệu

Hậu quả khôn lường khigiao đất không qua đấu giá

Vụ án liên quan đến việc giao đất “vàng” không qua đấu giá khiến cựu Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín và nhiều lãnh đạo sở, ngành liên quan vướng vòng lao lý vừa qua đã cho thấy rõ hậu quả và những thiệt hại mà các đối tượng này gây ra cho Nhà nước. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, đặc biệt là giao, cho thuê đất trái quy định của Luật Đất đai và các quy định liên quan được phát hiện thời gian qua.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo kế hoạch được giao, KTNN với vai trò là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công đã phát hiện ra nhiều bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất, như: quản lý chưa chặt chẽ, chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với NSNN. Cùng với đó là những bất cập trong công tác quy hoạch, giao đất không thực hiện đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng ngay hình thức chỉ định thầu làm thất thoát NSNN.

Các sai phạm trong quản lý đất đai không chỉ xảy ra trong quá trình giao đất, cho thuê đất giữa địa phương với DN, mà còn xuất hiện phổ biến trong quá trình DNNN thực hiện cổ phần hóa. Kết quả kiểm toán chuyên đề công tác cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2017 tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy, trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng hoặc xây dựng phương án không phù hợp với chủ trương sắp xếp xử lý nhà đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai. Sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá...

Từ kết quả kiểm toán, KTNN đánh giá, công tác quản lý đất hiện còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát, tham nhũng. Trong đó, nổi cộm là tình trạng giao đất, cho thuê đất không qua đấu thầu, đấu giá trái quy định, gây thiệt hại nghiêm trọng cho NSNN.

Công khai, minh bạch trong quản lý đất đai để ngăn ngừa vi phạm

Các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, gây thất thoát cho Nhà nước khi phát hiện đều bị xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn ngừa cho vi phạm không xảy ra, không để tiền, tài sản nhà nước bị thất thoát, tức là xử lý tận gốc rễ vấn đề là bài toán khó được đặt ra hiện nay.

Để phát hiện vi phạm, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, những kết quả phát hiện, kiến nghị xử lý theo vụ việc chỉ phản ánh được một phạm vi nhất định. Điều quan trọng, đó là các cơ quan có liên quan phải sửa đổi chính sách quản lý cho phù hợp, chặt chẽ. Nhận thấy vấn đề này, trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, KTNN đặc biệt chú trọng đến việc phát hiện, kiến nghị sửa đổi chính sách. Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là nguyên nhân dẫn đến nhận thức khác nhau khiến dễ vận dụng sai… Theo đó, để bịt lỗ hổng chính sách liên quan đến công tác quản lý đất đai, KTNN đã kiến nghị sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước) cho phù hợp. KTNN cũng đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất của DN đang sử dụng sang mục đích khác phải thông qua đấu giá nhằm ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước và NSNN.

Thực tế vừa qua cho thấy, có nhiều nguyên nhân cả về lỗ hổng pháp lý và công tác điều hành, quản lý nhà nước đã khiến đất đai trở thành “miếng mồi” cho nhóm lợi ích, tham nhũng. Trong đó, tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất công và coi nhẹ trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước trong quản lý đất đai là nguyên nhân cơ bản. Đơn cử, theo kiểm toán viên nhà nước khu vực I, những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá đất không sát giá thị trường là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát NSNN khi chuyển quyền sử dụng đất từ DNNN thông qua cổ phần hoá, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải đấu giá trong điều kiện đất đai có hạn, nhất là tại đô thị với các khu đất có giá trị sinh lời cao.

Còn theo Luật sư Hoàng Đức Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), để quản lý quỹ đất công một cách hiệu quả khi tiến hành giao đất cho bất cứ tổ chức nào quản lý, sử dụng thì buộc phải tiến hành hoạt động đấu giá công khai theo đúng quy định của pháp luật. Khi đấu giá công khai có thể tìm ra được những đơn vị có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và có phương án khai thác, quản lý, sử dụng đất công hợp lý nhất để giao, cho thuê.

Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khá đầy đủ, song việc thực thi các quy định này rất hạn chế. Do đó, để nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai, phải thiết lập được cơ chế khả thi hơn, thuận lợi hơn để người dân thực sự giám sát được việc quản lý và sử dụng đất đai. Các cơ quan nhà nước, cán bộ thực thi công vụ phải thực hiện trách nhiệm giải trình về những vấn đề liên quan trong quản lý, sử dụng đất đai khi được yêu cầu một cách kịp thời, nghiêm túc.

NGUYỄN LỘC