Có nên áp dụng nâng lô giao dịch tối thiểu ?

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 16:23, 09/03/2021

(BKTO)- Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa đề xuất thực hiện nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 lên 1.000 CP, với lập luận việc này sẽ giảm 40-50% số lệnh giao dịch, giúp giảm tải hệ thống và giải quyết tình trạng nghẽn lệnh giao dịch hiện nay. Tuy nhiên, giải pháp này đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm.

   

Giải pháp tình thế

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trở thành kênh đầu tư "hot", thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư (NĐT) cá nhân. Làn sóng NĐT F0 dồn dập tham gia thị trường đã khiến TTCK quay trở lại vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm, mốc điểm năm 2007 và 2018 đã từng chinh phục.Tuy nhiên, sự phát triển "nóng" cũng khiến hiện tượng nghẽn lệnh liên tục xảy ra trên HOSE kể từ tháng 1-2020.

Sự quá tải của hệ thống và những giải pháp đề xuất, như việc điều chỉnh lô CK giao dịch tối thiểu từ 10 CP lên 100 CP, và mới đây là đề xuất từ 100 lên 1.000 CP, đang được nhiềucông ty chứng khoán (CTCK), NĐT tổ chức và đặc biệt là NĐT cá nhân quan tâm.

Một số lãnh đạo công ty chứng khoán đã lên tiếng ủng hộ giải pháp này, như ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI cho rằng “giải pháp tăng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm trở lại lô 10”.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 lên 1.000 CP, cũng chỉ là giải pháp tình huống đặc biệt cấp bách, và nếu có chỉ nên áp dụng trong thời gian rất ngắn, bởi đây không nên được coi là giải pháp bền vững với tầm nhìn dài hạn.

Phân tích sâu hơn, ưu điểm của giải pháp này có thể giảm tải cho hệ thống đặt lệnh 40-50%, dường như hạn chế được ngay hiện tượng nghẽn lệnh vào các phiên chiều giao dịch trên sàn HOSE. Tuy nhiên, nhược điểm thấy rõ và ảnh hưởng lớn đến NĐT, nhất là với là NĐT cá nhân, nó hạn chế giao dịch của NĐT nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, điều này cũng đi ngược lại xu hướng của thế giới khi giảm lô giao dịch cổ phiếu tối thiểu là xu hướng chung trên toàn cầu, bởi các thị trường chứng khoán quốc tế khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân, tạo cơ hội tiếp cận thị trường và nâng cao quản trị rủi ro.

Có thể lấy ví dụ như tại Nhật Bản, trước đây, lô giao dịch cổ phiếu tối thiểu do công ty phát hành quyết định, thường là 1.000 cổ phiếu. Tới năm 2014, một số doanh nghiệp áp dụng lô 100 cổ phiếu và kể từ năm 2018, tất cả doanh nghiệp niêm yết trên sàn Tokyo chỉ áp dụng duy nhất lô 100 cổ phiếu. Hiện tại, Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) có kế hoạch giảm số lượng giao dịch tối thiểu xuống 1 cổ phiếu.

Tương tự, Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) giảm lô giao dịch tối thiểu từ 1.000 xuống 100 vào năm 2015. CEO SGX cho biết, việc giảm lô giao dịch tối thiểu mang lại lợi ích cho tất cả nhà đầu tư, giúp họ quản lý rủi ro tốt hơn nhờ phân bổ tài sản chính xác hơn.

Ngày 25/10/2020, thị trường chứng khoán Đài Loan bắt đầu cho phép nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu với lô tối thiểu 100. Trước đó, nhà đầu tư mua số lượng cổ phiếu nhỏ chỉ được giao dịch vào một số khung giờ nhất định

Còn tại các thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ, một số quốc gia châu Âu (Anh, Italia…), nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua số lẻ cổ phiếu (1 – 99 cổ phiếu), không cần là số chẵn như 10, 100 hay 1.000 cổ phiếu. Tại thị trường Mỹ, nhà đầu tư thậm chí có thể mua 0,1 cổ phiếu.

Rào cản lớn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ

Ông Phan Quốc Huỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cho biết, xung quanh đề xuất của HoSE nâng lô cổ phiếu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu, VASB đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đưa ra quan điểm về việc không đồng thuận với phương án nâng lô giao dịch.

Theo ông Huỳnh, việc nâng lô cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu sẽ phát sinh lô lẻ rất nhiều. Để thực hiện thu mua lô lẻ, các công ty chứng khoán thường mua ở mức sàn hoặc thấp hơn so với thị giá. Điều này sẽ ít nhiều gây thiệt hại đến túi tiền của nhà đầu tư.

Chưa kể, việc nâng lô sẽ hạn chế sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, trong khi thị trường chứng khoán đang hướng đến sự công bằng, bình đẳng.

Bản thân là đơn vị trung gian phục vụ nhà đầu tư, các công ty chứng khoán cũng nhận được sự phản ứng của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, bởi họ cho rằng, điều này sẽ ngăn cản nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư chứng khoán, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Việc này cũng đồng nghĩa với cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết sẽ bị ảnh hưởng nhất định về khối lượng và giá trị giao dịch, đặc biệt là nhóm cổ phiếu có thị giá cao.

“Tôi cho rằng, biện pháp gốc rễ vẫn là sớm nâng cấp hệ thống tại HoSE, và cơ quan quản lý cần hợp lực để đẩy nhanh tiến độ hơn càng sớm càng tốt”, ông Huỳnh nói.

Hiện nay, nhiều cổ phiếu đang giao dịch từ vài nghìn đồng/cổ phiếu đến vài chục nghìn đồng/cổ phiếu, nhưng cũng có những cổ phiếu có thị giá lên tới 200.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đề xuất nâng lô tối thiểu được thông qua, lệnh mua tối thiểu lên tới vài trăm triệu đồng. Theo đánh giá, đây là rào cản lớn hạn chế cơ hội nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia vào các cổ phiếu này.

TS. Võ Đình Trí - giảng viên trường đại học Kinh tế TP. HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global, cũng cho rằng HoSE không nên thực hiện nâng lô lên 1.000 cổ phiếu dù chỉ là tạm thời vì vẫn còn những giải pháp thay thế khác, như chuyển một số công ty qua giao dịch trên sàn HNX và quan trọng hơn là rà soát, ngăn chặn các lệnh mua bán ảo.

"Việt Nam cũng đang cố gắng để thoát khỏi nhóm thị trường cận biên, chuyển sang thị trường mới nổi do đó không thể không quan tâm đến các nhà đầu tư cá nhân. Bởi lẽ, nhà đầu tư dù trong nước hay quỹ đầu tư nước ngoài, họ sẽ cân nhắc các quy định pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, sự minh bạch của thị trường trước khi tham gia", TS. Võ Đình Trí cho hay.
NAM SƠN (tổng hợp)