Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 13:25, 10/03/2021
(BKTO) - Đây là chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) (gọi tắt là Kế hoạch thực hiện Chiến lược) diễn ra sáng 10/3, tại Hà Nội.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo cuộc họp |
Tham dự cuộc họp có các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Nguyễn Quang Thành, Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ cùng các thành viên Ban Chỉ đạo và bộ phận có liên quan.
Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam đến năm 2030 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt tháng 9/2020 nhằm góp phần tăng cường hơn nữa tính hiệu quả, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu lực hoạt động của KTNN Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của các Cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới. Để thực hiện Chiến lược, KTNN sẽ xây dựng Kế hoạch thực hiện nhằm cụ thể hóa Chiến lược thành các hoạt động khả thi, được gắn kết với nhau trong một lộ trình hợp lý, đảm bảo đạt được các mục tiêu của Chiến lược đề ra.
Cuộc họp nhằm trao đổi, góp ý về Đề cương Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Tại cuộc họp, Chánh Văn phòng KTNN Đỗ Văn Tạo đã trình bày Dự thảo Đề cương Kế hoạch thực hiện Chiến lược. Theo đó, Kế hoạch thực hiện Chiến lược dự kiến gồm 8 chương, trong đó: Chương 1 - Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN, Chương 2 - Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy, Chương 3 - Phát triển nguồn nhân lực, Chương 4 - Nâng cao chất lượng kiểm toán, Chương 5 - Hội nhập và hợp tác quốc tế, Chương 6 - Phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học, Chương 7 - Phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao, Chương 8 - Tổ chức thực hiện.
Theo đề cương, kết cấu của mỗi chương gồm có nhiều phần, nhiều nội dung, trong đó có đánh giá thực trạng, xác định yêu cầu, mục tiêu và các nội dung hoạt động cần thiết để thực hiện mục tiêu đặt ra trong Chiến lược.
Quang cảnh cuộc họp |
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã tham gia góp ý đối với từng nội dung cụ thể trong Dự thảo Đề cương. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Đề cương cần phải xác định rõ từng nội dung cần thực hiện, đơn vị thực hiện và có tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành... Đặc biệt, các nội dung của Kế hoạch phải bám sát các mục tiêu, nội dung của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu bộ phận thường trực xây dựng Đề cương Kế hoạch thực hiện Chiến lược nghiêm túc lắng nghe và điều chỉnh lại Đề cương đảm bảo yêu cầu đề ra, trong đó tập trung vào một số nội dung:
Đầu tiên, cần phải xác định mục tiêu khi xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược, đó là thực hiện Hiến pháp, pháp luật KTNN, pháp luật có liên quan và thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua;
Tiếp đó, Kế hoạch thực hiện Chiến lược phải nêu lên được thực trạng, những vấn đề đặt ra hiện nay để từ đó hướng đến thực hiện tốt các mục tiêu đề ra của Chiến lược;
Kế hoạch phải nêu bật những nội dung cần thực hiện để cụ thể hóa Chiến lược. Theo đó, trong Đề cương Kế hoạch thực hiện Chiến lược cần phải thể hiện cụ thể thông qua tiêu đề là nội dung, không chia tiêu đề theo chương như Dự thảo Đề cương hiện nay;
Đặc biệt, để thực hiện tốt Kế hoạch, cần phải đề ra những giải pháp đúng đắn, phù hợp và khả thi. Tất cả các giải pháp này cần phải được thể hiện rõ trong Kế hoạch. Bên cạnh đó, yêu cầu về tiến độ thực hiện Kế hoạch nói chung, với từng nội dung công việc trong Kế hoạch nói riêng cần phải được đặt ra và xác định rõ trong Kế hoạch;
Về tổ chức thực hiện, để thực hiện được Kế hoạch cần phải xác định rõ nguồn lực con người, nguồn lực tài chính và các yếu tố khác cần thiết... tất cả cần phải được nêu rõ để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc xây dựng và hoàn thiện Đề cương cần chú ý bám sát mục tiêu, nội dung của Chiến lược, để từ đó đảm bảo các yêu cầu đề ra. Các đơn vị, bộ phận được phân công xây dựng Đề cương Kế hoạch thực hiện Chiến lược có trách nhiệm khẩn trương hoàn thiện, trình thông qua Đề cương để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo. “Chiến lược đã được ban hành và cần phải được triển khai thực hiện ngay. Do đó, Kế hoạch thực hiện Chiến lược cần phải sớm hoàn thành để đưa các mục tiêu, nội dung của Chiến lược vào thực tiễn” – Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC