Công cuộc chuyển đổi số đang có những tín hiệu đáng mừng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 20:05, 10/03/2021
Kinh tế số Việt Nam dự kiến sẽ đạt 52 tỷ USD năm 2025. Nguồn: Google |
Việt Nam thuộc top đầu Đông Nam Á về kinh tế số
Báo cáo cũng đưa ra dự báo, Indonesia và Việt Nam sẽ đi đầu nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN vào năm 2025. Kinh tế số Indonesia dự kiến sẽ tăng 23% lên 124 tỷ USD trong 5 năm. Cùng thời điểm đó, kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 52 tỷ USD.
Nhìn chung, bất chấp môi trường kinh tế đầy thách thức, các lĩnh vực kỹ thuật số của Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 và đang trên đà vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, đã có một sự thay đổi lớn trong các ngành đóng góp vào nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực.
Theo đó, thương mại điện tử đã nổi lên như một ngành lớn nhất, tăng 63%, đạt 62 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng, đạt 172 tỷ USD vào năm 2025.
Với sự gia tăng thói quen sử dụng các dịch vụ trực tuyến của người dùng cá nhân và DN, thanh toán kỹ thuật số tiếp tục tăng trưởng từ 600 tỷ USD vào năm 2019 lên 620 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Truyền thông trực tuyến tăng 22%, đạt 17 tỷ USD vào năm 2020 với sự thúc đẩy và gia tăng bứt phá của các nhà cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (video streaming). Trong đó, mức tăng trưởng của Việt Nam gấp 12 lần.
Ngược lại, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, tuy nhiên đang có những dấu hiệu phục hồi với du lịch nội địa, đặc biệt là đối với các khách sạn và địa điểm nghỉ dưỡng không quá xa thành phố. Tương tự, lĩnh vực vận tải cũng chịu nhiều ảnh hưởng và khó hồi phục như trước trong năm 2021.
Báo cáo cũng cho biết, đối với nền kinh tế số trong khu vực, đã có 40 triệu người dùng Internet mới trong năm nay, nâng tổng số lên 400 triệu tính đến thời điểm hiện tại. Riêng tại Việt Nam, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, người dùng bắt đầu tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đột ngột phát sinh thông qua mạng Internet.
Số người tham gia các dịch vụ số của Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Nam Á |
Trước khi Covid-19 xuất hiện, người dân Việt Nam thường dành 3,1 giờ/ngày để truy cập internet cho mục đích cá nhân. Trong khoảng thời gian thực thi giãn cách xã hội trên diện rộng, con số này đã tăng vọt lên 4,2 giờ/ngày và hiện ở mức 3,5 giờ/ngày. Việt Nam đang là quốc gia có người dùng internet mới cao nhất Đông Nam Á, chiếm đến 41%.
Tăng tốc cho chuyển đổi số - cần nhiều động lực
Tại Tọa đàm “Giải mã điều kỳ lạ của kinh tế số năm 2020 và dự báo xu hướng 2021”, ông Tuấn Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc Công ty VCCorp - cho rằng: Với khả năng công nghệ, Việt Nam không hề thua kém các nước đang phát triển nào, thậm chí còn rất sáng tạo khi tạo ra các giải pháp phù hợp đặc thù riêng cho thị trường Việt Nam. Nhưng công cuộc chuyển đổi số vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều DN chưa quyết tâm thực hiện đến cùng và chưa tạo được động lực thúc đẩy tới đội ngũ các nhân viên. Hai là, DN muốn chuyển đổi số nhưng thiếu nhân lực. Tiếp đến là thiếu dữ liệu do các DN vẫn lưu trữ dữ liệu thô sơ trên giấy tờ hoặc excel.
Khi nói về chuyển đổi số, các DN phải cần nhắc đến 2 phần: Thứ nhất, quy trình quản trị nội bộ. Thứ hai, tìm cách để mở rộng kênh bán hàng, chuỗi phân phối và marketing nhằm giúp khách hàng thực hiện mua hàng dễ dàng và thuận tiện, từ đó tăng doanh số và giữ chân khách hàng.
Tại Việt Nam, các DN lớn sẽ chú tâm đến toàn bộ quá trình, còn DN nhỏ thường chú ý đến các phần nhỏ và làm dần dần. DN không cần phải coi chuyển đổi số như “đũa thần” giúp họ thay đổi hoàn toàn mà cần có quá trình.
“Trước tiên, DN nên cân nhắc họ đang gặp khó chỗ nào và chưa cần thiết chuyển đổi toàn diện, nên thực hiện ở quy mô nhỏ trước sau đó mở rộng dần, bởi chưa chắc việc chuyển đổi đã đúng khi quá trình này cần phải đúng thời điểm, đúng người và cần thời gian” - ông Tuấn Nguyễn đưa ra lời khuyên.
Đồng quan điểm trên, GS,TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận định: Covid-19 tạo ra cú huých mạnh, nhưng chỉ là cộng hưởng chứ không phải vấn đề nền tảng.
Chuyển đổi số cần nhiều điều kiện và trước hết là cần có cơ sở dữ liệu tốt, điều này cũng khá tốn kém đối với DN. Thứ hai là cần nhân lực - yếu tố quyết định vì kinh tế số chính là trí tuệ con người. Cuối cùng là chính sách hỗ trợ, bảo vệ phù hợp - yếu tố then chốt. “Yếu tố thể chế là yếu tố quyết định đối với phát triển kinh tế số”- GS,TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Thực tế, chuyển đổi số nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhu cầu của bản thân mỗi cơ quan, tổ chức và liên quan đến nhiều vấn đề như chuỗi liên kết, các cơ hội khác nhau…
Đối với những cơ quan, tổ chức có tính chất công việc gắn với mạng lưới, có chuỗi liên kết chặt chẽ, áp lực chuyển đổi số rất lớn. Trung ương thì áp lực chuyển đổi số rất mạnh nhưng cơ quan nhỏ hơn thì không có động lực nhiều đến vậy.
Tương tự, những DN trong lĩnh vực công nghệ sẽ chuyển đổi phương thức vận hành sang số rất nhanh như FPT, Viettel hay các startup. Các DN truyền thống như ngân hàng bắt buộc phải chuyển đổi số để đảm bảo tính cạnh tranh, nếu không khách hàng sẽ chuyển sang ngân hàng khác. Thương mại điện tử đang sống bằng liên kết, vậy nên, họ cũng dịch chuyển nhanh hơn DN sản xuất.
Những yếu tố như trên chính là căn cứ để Nhà nước xác định giải pháp hỗ trợ, khuyến khích và giúp cho chuyển đổi số ở Việt Nam phát triển đồng nhịp. Chuyển đổi mà “lệch pha” thì ngân hàng chuyển đổi mạnh cũng khó phát huy năng lực số của mình.
Ngân hàng và thương mại điện tử có cơ hội bứt phá mạnh nhất
Theo GS,TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam đã có nền tảng sẵn sàng để chuyển đổi số và có thêm cú huých từ Covid-19, như vậy, năm 2021, tình hình sẽ tốt hơn. Song, chúng ta phải lường đến nguy cơ, rủi ro của dịch và phòng chống nó bằng số hóa, công nghệ. Việt Nam không tổn thất quá nhiều vì dịch bệnh nên có điều kiện để vượt trước, đứng dậy sớm hơn, vì vậy, phải tận dụng và xử lý tốt các cơ hội.
GS,TS. Trần Đình Thiên dự báo: Lĩnh vực ngân hàng và thương mại điện tử vẫn sẽ bứt phá mạnh nhất. Các công ty về tái cơ cấu trên nền tảng quản trị cơ bản cũng sẽ phát triển mạnh.
Cùng với đó, mỗi tổ chức cần phải đầu tư cho hệ thống an toàn thông tin, đây là vấn đề sống còn. Không chỉ DN phải lo cho mình mà toàn dân cũng phải ý thức và Chính phủ phải có chương trình quốc gia về an toàn thông tin trên nền tảng số.
Còn theo ông Tuấn Nguyễn, năm 2021 có thể chưa chắc đã ổn hơn, nhưng công cuộc chuyển đổi số (hiện có hơn 70% đã sẵn sàng chuyển đổi, 50% đang thực hiện) có những tín hiệu đáng mừng. Khi có những DN chuyển đổi thành công điển hình, các DN khác sẽ nhận được động lực.
Chúng ta có thể sử dụng công nghệ của Việt Nam bởi mỗi DN sẽ có những đặc điểm riêng và chưa chắc sử dụng công nghệ nước ngoài đã hiệu quả. Do đó, công nghệ của Việt Nam có thể phù hợp hơn./.
THÙY LÊ