Tại sao ngân hàng lãi lớn
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:20, 09/03/2021
Đi ngược lại xu thế khó khăn của không ít DN nói chung thì những con số công bố lợi nhuận năm 2020 của khu vực ngân hàng thật đáng kinh ngạc và gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Lợi nhuận của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tương đương năm 2019 với khoảng 23.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tăng vọt tới 43,5% so với năm trước (đạt gần 16.500 tỷ đồng) riêng thu nhập ngoài lãi suất tăng 35,2% so với năm 2019; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tuy giảm 16% nhưng cũng đạt hơn 9.000 tỷ đồng và Agribank cho biết kết quả kinh doanh năm 2020 cũng vượt mục tiêu đề ra. Kết quả lợi nhuận đó còn ấn tượng hơn nữa khi BIDV đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ DN và người dân, còn Vietcombank đã chủ động chia sẻ cùng DN và người dân 3.700 tỷ đồng thông qua 5 đợt hạ lãi suất trong khi con số này tại VietinBank là khoảng 5.000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng TMCP khác cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng không kém, chẳng hạn Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố lợi nhuận trước thuế tăng 11% so với năm trước (lợi nhuận trước thuế năm 2019 của TPBank là gần 3.900 tỷ đồng) hay Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) có mức lợi nhuận trước thuế tăng tới 94% so với năm 2019, ước đạt 2.500 tỷ đồng, còn lợi nhuận hợp nhất năm 2020 của MBBank đạt 10.663 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm trước…
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh và thiên tai, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận khiến cho không ít người băn khoăn, hoài nghi, thậm chí còn cho rằng với tư cách là trung gian tài chính thì ngân hàng đang hưởng lợi trên lưng của khách hàng bất chấp tình cảnh khốn khó của họ. Để giải tỏa những băn khoăn nghi ngại này cần tìm hiểu nguyên nhân “thắng lớn” của khu vực ngân hàng năm 2020.
Trước hết, mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt 2,91% - thấp xa so với con số 7,02% năm 2019 - song các chỉ tiêu tiền tệ cơ bản đều không biến động quá mạnh. Cụ thể, tính đến ngày 21/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,56% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,1%, đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,26%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,87% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,14% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,14% và đến ngày 31/12/2020, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12,13%). Rõ ràng, tín dụng ngân hàng hầu như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và duy trì lợi nhuận từ tăng quy mô cho vay nền kinh tế.
Thứ hai, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giảm 3 lần lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5 - 2%/năm, vừa tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước, vừa tạo lập cơ sở điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất tương thích với diễn biến lạm phát. Nhiều ngân hàng thương mại đã tận dụng tốt cơ hội từ chênh lệch tốc độ giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay để tăng quy mô lợi nhuận.
Thứ ba, thực hiện Thông tư số 01/2020/NHNN-TT, tính đến cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng, đồng thời miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng và đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400.000 khách hàng. Rõ ràng, việc giảm áp lực nợ xấu, giảm chi phí và trích lập dự phòng rủi ro khiến cho các ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong mở rộng quy mô hoạt động và có thêm điều kiện tăng lợi nhuận.
Thứ tư, thu nhập ngoài lãi suất của nhiều ngân hàng thương mại tăng mạnh nhờ đa dạng hóa hoạt động đi đôi với cắt giảm chi phí và áp dụng công nghệ hiện đại. Điển hình như VietinBank đã chủ động nỗ lực tái cơ cấu toàn diện mọi mặt hoạt động, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cải thiện chất lượng dịch vụ, gia tăng cơ cấu thu nhập ngoài lãi, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn và chi phí hoạt động của Ngân hàng, tăng tỷ trọng của các phân khúc khách hàng có hiệu quả sinh lời cao như: bán lẻ, cho vay DN nhỏ và vừa.
Tóm lại, ngân hàng lãi lớn trong năm 2020 và dự báo năm 2021 tiếp tục đạt lợi nhuận cao chủ yếu là do nhiều điều kiện khách quan thuận lợi và nỗ lực chủ quan của các ngân hàng thương mại. Lợi nhuận lớn là điều kiện để các ngân hàng chia sẻ hơn nữa với khách hàng thông qua giảm thêm lãi suất cho vay, kể cả lãi suất các khoản cho vay cũ.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế